Tư duy phê
phán còn gọi tư duy phán biện và theo tiếng Anh là critical thinking nên cũng
thường được dịch là tư duy tới hạn. Nói đến tư duy phê phán là nói quá trình tìm
tòi chứng cứ và thay đổi góc nhìn khác nhau để xác minh tính chính xác hay
không của một ý kiến trước khi tin tưởng, chấp nhận hay bác bỏ.
Nói một cách
ngắn gọn tư duy phê phán là chấp nhận hay bác bỏ một ý kiến là phải trên cơ sở
có chứng cứ và được luận giải một cách logic.
Một ý kiến được xem xét chấp nhận hay bác bỏ
có thể là những ý kiến của một người khác đưa ra và cả những ý tưởng
của chính mình, tức trước khi một ý tưởng trở thành một ý
kiến của mình cũng phải quá trình tự tìm tòi chứng cứ và thay đổi góc
nhìn khác nhau để xác minh tính chính xác hay không của ý tưởng đó.
Trên thực tế
để có được tư duy phê phán đòi hỏi nhiều điều kiện, chẳng hạn như:
- Trước hết
phải có tinh thần thượng tôn sự thật vì tư duy phê phán luôn đòi hỏi tính chủ
động và tự giác cao.
- Tư duy phê
phán tập trung chủ yếu vào lý tính và lý luận nên đòi hỏi phải có nhưng kỹ năng
nhất định.
- Tư duy phê
phán là nhằm đến việc tiếp cận chân lý chứ không phải chỉ để khẳng định nhưng
điều chúng ta đã tin tưởng từ trước, hay nói cách khác phải hoài nghi cả chính
mình.
Như vậy, xuất
phát điểm của tư duy phê phán là nhiệt
tình truy tìm sự thật và sự hoài nghi. Hai điểm này lúc nào cũng gắn
liền với nhau. Nhiệt tình rất dễ biến thành một sự nhẹ dạ nếu không đi liền với
sự hoài nghi. Nhưng nếu thiếu nhiệt tình đối với sự thật, sự hoài nghi chỉ dẫn
đến thái độ phủ nhận sạch trơn để khư khư giữ lấy những thành kiến cũ kỹ cố hữu
vốn rất thường thấy ở những kẻ lười biếng (hoặc thiếu kỹ năng), cố chấp và
cuồng tín.
Đến đây chúng
ta thấy để có tư duy phê phán hoàn toàn không dễ dàng chút nào, bởi lẽ:
- Tư duy phê
phán trước hết là chống lại chính mình, chống lại “cái tôi” mà “cái tôi” của
mỗi người lại thuộc vào văn hóa, giáo dục của người đó được hưởng thụ. Ngoài ra
việc chống lại “cái tôi” còn bị chi phối bởi quyền lợi (vật chất và nhất là tinh
thần vì phê phán thông thường phải chấp nhận “cô đơn” trước đám đông của vô
thức và đám đông của lợi ích) nên bản thân “phê phán” hay không “phê phán” cũng
là một lựa chọn khó khăn đòi hỏi không ít bản lĩnh.
- Tư duy phê
phán luôn cần chứng cứ. Nhưng chứng
cứ không phải là những gì có sẵn. Người biết hoặc muốn suy nghĩ có tính phê
phán bao giờ cũng, trước hết, là người có khả năng tìm kiếm thông tin và biết
cách xử lý thông tin. Cái gọi là xử lý
thông tin ấy bao gồm bốn việc:
- Một, xác minh tính khả tín của thông
tin;
- Hai, phân tích để tìm kiếm các quan
hệ tiềm ẩn bên trong các thông tin ấy;
- Ba, diễn dịch để tìm kiếm ý nghĩa đích
thực của các thông tin ấy;
- Và bốn, tập hợp các thông tin ấy lại theo
một trật tự nhất định nào đó để tạo nên một khối tư liệu thống nhất nhằm chứng
minh cho một luận điểm nào đó.
Những
kỹ năng này đòi hỏi phải học và phải
tập thường xuyên. Ngay từ nhỏ. Và kéo dài cả đời. Nhưng học và tập không
phải chỉ là chuyện của cá nhân. Cả hai đều gắn liền với môi trường giáo dục: gia
đình, nhà trường và xã hội.
Trong bối cảnh văn hoá và
giáo dục của nước ta hiện nay đang có nhiều biến động và sa sút, xuống cấp. Cả
xã hội đã và đang bàn về vấn đề này và cho đến nay vẫn chưa có một đường hướng
rõ ràng, cụ thể để đưa văn hoá và giáo dục nước nhà thoát ra được cuộc khủng
hoảng. Và như vậy để có thế hệ trẻ Việt Nam có tư duy phê phán, lại lần nữa phải hy vọng và trông mong vào văn hóa, giáo dục của gia đình và chủ quan của mỗi người chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét