Hồ Quý Ly – nhà cải cách canh tân đất nước



 

1. Triều Hồ
Hồ Quý Ly (còn có tên là Lê Quý Ly 1336–1407), là người đã tiến thân từ một đại quan nhà Trần để khởi đầu nhà Hồ của lịch sử Việt Nam.
Nhà Hồ là triều đại phong kiến bắt đầu khi Hồ Quý Ly lên ngôi năm 1400 sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Trần và chấm dứt khi Hồ Hán Thương bị quân Minh bắt vào năm 1407 - tổng cộng là 7 năm. Quốc hiệu Đại Việt đổi thành Đại Ngu năm 1400.

2. Bối cảnh lịch sử thành lập Nhà Hồ
Đến thời Dụ Tông, Triều Trần lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Mâu thuẫn nội tại của chế độ điền trang, thái ấp phát triển. Quý tộc Trần ngày càng thoái hoá biến chất với cuộc sống xa hoa. Nông nô và nô tỳ bị áp bức và bóc lột tàn khốc nổi dậy chống đối, thiên tai xảy ra liên tiếp, sản xuất đình đốn, dân tình đói khổ. Phía Nam Chiêm Thành liền năm lấn cướp. Triều đình đổ nát, vua hôn ám, hoạn quan lộng hành, người hiền xa lánh. Cơ đồ nhà Trần có nguy cơ sụp đổ, mặc dù không ít nhà nho cự phách ra tay “kinh bang tế thế”, họ đành bất lực trước đà suy thoái không tránh khỏi ấy.
Hồ Quý Ly, một đại quý tộc và đại thần nhà Trần. Thời hậu kỳ nhà Trần, mọi việc chính sự do thượng hoàng Trần Nghệ Tông quyết định. Trần Nghệ Tông lại rất trọng dụng Hồ Quý Ly nên lúc về già thường uỷ thác mọi việc cho Quý Ly quyết định. Dần dần binh quyền của Hồ Quý Ly ngày một lớn, Nghệ Tông tuổi cao sức yếu cũng không kìm chế nổi. Năm 1395 Trần Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly được phong làm Phụ chính Thái Sư nhiếp chính, tước trung tuyên Vệ quốc Đại vương, nắm trọn quyền hành trong nước.
Sau khi bức vua Trần dời đô từ Thăng Long vào Thanh Hoá và giết hàng loạt quần thần trung thành với nhà Trần, tháng 2 năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi của cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua lấy quốc hiệu là Đại Ngu, lập nên nhà Hồ.
Hồ Quý Ly lên ngôi, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên. Chưa được một năm, theo cách nhà Trần, ông nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương, làm Thái Thượng hoàng nhưng vẫn tự mình quyết đoán mọi công việc.

3. Chuẩn bị tư tưởng và thực hiện canh tân đất nước
Sự nghiệp canh tân của Hồ Quy Ly không phải chỉ từ khi làm vua lập ra Nhà Hồ năm 1400, ông đã chuẩn bị tư tưởng canh tân từ khi đang tham gia triều chính nhà Trần và bắt đầu triển khai thực hiện khi ông làm Phụ chính thái sư nhiếp chính năm 1395. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, những cải cách của ông gồm:
- Năm 1392 làm sách Minh Đạo.
- Năm 1395 tự dịch Thiên vô dật trong Thượng thư ra chữ Nôm để dạy cho Thuận Tông.
- Năm 1936  dịch Kinh thi làm sách Thi nghĩa dạy cho hậu phi và các cung nhân học.
- Năm 1396, thay đổi chế độ thi cử nhân, bỏ cách thi ám tả cổ văn chuyển sang tứ trường văn thể.
- Năm 1396, tháng 4, bắt đầu phát hành tiền giấy Thông bảo hội sao.
- Năm 1397 cho mở trường ở các châu, phủ ở vùng đất Bắc bộ. Ở các châu, phủ đều có quan giáo thụ trông coi, đôn đốc việc học.
- Năm 1400, đánh thuế thuyền buôn.
- Năm 1401 đã cho làm sổ hộ tịch trong cả nước, lập phép hạn chế gia nô, hạn điền.
- Năm 1401, lập kho thường bình dự trữ thóc để ổn định kinh tế.
- Cuối năm 1401, định quan chế và hình luật nhà nước Đại Ngu
- Năm 1402, định lại các lệ thuế và tô ruộng.
- Năm 1403, ban hành cân, thước, thưng, đấu, định giá tiền giấy cho dân mua bán với nhau.
- Năm 1943 quy định thêm thí sinh phải thi viết và làm tính.
- Từ năm 1400 – 1403 liên tục cho quân tấn công Chiêm thành mở mang bờ cõi đến tận tỉnh Quảng Ngãi ngày nay.
- Năm 1403, di dân không có ruộng đến Thăng Hoa (vùng đất mới thu tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay). Cùng năm đặt Quảng tế (cơ quan coi về mặt y tế).
- Từ năm 1404 – 1407, tập trung xây dựng lực lượng quân đội và hệ thống phòng tuyến chống họa xâm lăng của nhà Minh.
Như vậy, từ khi chuẩn bị tư tưởng và triển khai thực hiện canh tân của Hồ Quy Ly có thể từ năm 1389 đến năm 1403, gần 14 năm.

4. Một số ý kiến đánh giá về Hồ Quý Ly trong 600 năm qua
1. Nguyễn Trãi (1380 - 1442), đỗ Thái học sinh triều Hồ, người từng cùng thân phụ - Nguyễn Phi Khanh - làm quan nhà Hồ đánh giá: Hồ Quý Ly, đó là “người anh hùng mà nỗi hận còn để đến ngàn năm” (xem Ức trai thi tập - Quan hải).
 2. Hồ Nguyên Trừng (?), con trưởng Hồ Quý Ly, tả tướng quốc nhà Hồ cho rằng Hồ Quý Ly (và nhà Hồ) đã làm mất lòng dân (Qua lời tâu: “thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo không mà thôi!” - Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Khoa học Xã hội - 1971, trang 243).
3. Lê Lợi (1385 - 1433), tức Lê Thái Tổ (1428 - 1433), người lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh sau khi cuộc kháng chiến Trần - Hồ trước đó thất bại; Người sáng lập vương triều Lê ngay sau triều Hồ: "Họ Hồ chính sự phiền hà lòng dân oán hận" (Bình Ngô Đại Cáo). Họ Hồ thoán đoạt, người cả nước coi tựa thù, dân chúng chống lại, thân thích phân ly (xem Thư gửi Vương Thông).
4. Các sử gia phong kiến; những người theo quan điểm Nho giáo chính thống sau thời Trần - Hồ: Hồ Quý Ly là kẻ loạn thần tặc tử, tội ác nhiều quá lắm (Đ.V.S.K.T.T, sđd).
5. H.Le Breton, một quan cai trị thực dân, học giả thực dân từng đứng đầu Thanh Hoá hồi thế kỷ sau này: Hồ Quý Ly, “một con người lúc đầu có công nhưng rút cục chỉ đem lại tai hoạ cho đất nước mình chỉ vì lòng tham mà thôi” (Những kẻ chiếm đoạt ngôi vua - Tài liệu lưu trữ tại thư viện tổng hợp Thanh Hoá).
6. Những người theo quan điểm mác xít.
- Hồ Quý Ly là một người táo bạo và có nhiều tham vọng. Trong những năm giữ quyền bính của triều Trần và nhất là từ khi lên nắm chính quyền đã thực hiện một số cải cách nhằm cứu vãn nguy cơ sụp đổ của nhà nước phong kiến và củng cố địa vị của dòng họ thống trị mới (Lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb Khoa học Xã hội 1971, trang 230).
Hồ Quý Ly tuy có tổ chức cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh, nhưng căn bản vì lên ngôi một cách bất chính, lại thi hành nhiều chính sách vụ lợi cho dòng họ mình trước hết, làm mất lòng dân, không đoàn kết được toàn dân nên cuối cùng thất bại... Về học thuật, Hồ Quý Ly có nhiều cái nhìn độc đáo so với đương thời (Thơ văn Lý Trần, tập III, Nxb khoa học Xã hội - 1978, trang 233).
Trong hoàn cảnh suy sụp của xã hội phong kiến Việt Nam cuối Trần - Hồ, Hồ Quý Ly là người có những cải cách tương đối táo bạo... Những cải cách đó đều bị tầng lớp quý tộc Trần phản đối hoặc thực hiện chểnh mảng, thành thử ít có hiệu quả và lại trở thành gánh nặng cho dân. Tuy vậy cải cách ít nhiều cũng phản ánh được đòi hỏi khách quan cấp bách về một sự đổi thay của lịch sử xã hội bấy giờ. Về văn hoá và tư tưởng họ Hồ cũng là người có đầu óc mạnh dạn phê phán Nho giáo Trung Hoa, nhưng không có ý nghĩa thực tế bao nhiêu vì vẫn không thoát ly Nho giáo. Thông minh, sắc sảo, tự hào với đất nước, dân tộc. Tuy nhiên, rốt cuộc đó cũng chỉ là những ý nghĩ không tưởng mà thôi (Từ điển văn học, tập I, Nxb Khoa học xã hội ,1983, trang 315 - 316).
Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn, kiên quyết và táo bạo... Kiên quyết chủ trương chống Minh bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Đã kết hợp trong chính sách đối nội và đối ngoại tinh thần cải cách kiên quyết và tinh thần dân tộc cao nhưng lại bộc lộ một hạn chế cơ bản là không chú ý đến những lợi ích bức thiết của các tầng lớp nhân dân bị trị - không đáp ứng được yêu cầu dân chủ (Phan Huy Lê - Lê Lợi và Thanh Hoá trong khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb Thanh Hoá - 1988, trang 28 - 29).
7. Hồ Quý Ly tự xét lại mình:
         Lắm sự đổi thay, tưởng chết mà được sống,
         Quê hương mờ mịt gợi dậy biết bao tình.
         Ải Nam Quan xa xôi mái đầu bạc là phải
         Nơi quán Bắc lâu ngày, tỉnh mộng thấy kinh sợ.
         Cứu nước tài hèn thẹn với Lý Bật;
         Dời đô, kế vụng, khóc chuyện Bàn Canh.
         Bình vàng bị mẻ, biết hàn gắn làm sao;
         Nên biết ngọc còn đợi giá, chứ không phải xem rẻ đâu!
         (Cảm hoài, Thơ văn Lý Trần, Sđd, tr 250.)

5. Ý kiến cá nhân chủ blog
Mặc dù là “tay mơ” nhưng vì vốn hâm mộ tư tưởng cải cách và  sự nghiệp canh tân của Hồ Quý Ly, qua những gì đọc được, chủ blog mạo muội có mấy ý kiến “chém gió” về ông như sau:
-  Sách “Minh đạo” (Con đường sáng) của Hồ Quý Ly đã bị thất truyền, chúng ta chỉ biết qua mô tả của Đại Việt sử ký toàn thư. Nhưng qua quan điểm chính trị và đường lối trị nước của Hồ Quý Ly xuyên suốt toàn bộ tình trạng của ông. Những tân pháp mà ông đề xuất và đem thực thi khi ông còn làm tôi Trần Nghệ Tông và sau này khi làm vua và Thái thượng hoàng, trước sau đều là nhất quán, cho phép ta có thể khẳng định “Minh đạo” là  cuốn sách thể hiện cương lĩnh tư tưởng của ông. Trước hết ông là phê phán và gạt bỏ đường lối đức trị đơn thuần của phái Trình Chu bảo thủ câu nệ, chỉ hô hào nhân cách và đức hoá, khư khư bám giữ những giáo điều và điển chương lỗi thời của Tống Nho, tư tưởng của ông là thiên hẳn về đường lối pháp trị, coi hình pháp là gốc. Thứ nữa, từ nhận thức được sự khủng hoảng trầm trọng của giai đoạn cuối nhà Trần cũng chính là sử khủng hoảng của mô hình chế độ phong kiến đại điền trang, thái ấp phân quyền, tư tưởng của ông là xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền mạnh mẽ. Những tư tưởng và chính sách cải cách nhiều mặt cơ bản của chế độ chính trị - xã hội bấy giờ nhằm thay đổi chế độ phong kiến quý tộc đang còn tồn tại cũng rất gần với mô hình nhà Lê mà Lê Thái Tổ - Lê Thánh Tông đã rút kinh nghiệm thực hiện, có lẻ là do từ những trí thức đỗ đạt từ thời  nhà Hồ như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Mộng Tuân…nhưng  không “cách mạng” bằng ông.
Tóm lại, cốt lõi tư tưởng cải cách của của ông  là xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền pháp trị thay cho mô hình nhà nước phong kiến quý tộc, đại điền trang, thái ấp cát cứ, tản quyền và phê phán tư tưởng đức trị của Tống nho lỗi thời . Đặt trong bối cảnh lịch sử đương thời, cho ta thấy đây là tư tưởng cải cách tiến bộ, đáp ứng  sự đòi hỏi khách quan của thời điểm lịch sử bấy giờ. Nếu cho rằng “không có ý nghĩa thực tế bao nhiêu vì vẫn không thoát ly Nho giáo” là cái nhìn thiếu “biện chứng lịch sử” của những “nhà” theo quan điểm… mác xít.
-  Hồ Quý Ly coi trọng vấn đề giáo dục và đã tiến hành cải cách giáo dục như là bước đi đầu tiên nhằm chuẩn bị về mặt tư tưởng và lực lượng để tiến hành cải cách, cụ thể là nhằm truyền bá tư tưởng cải cách và xây dựng nền giáo dục thực học nhằm đào tạo tuyển chọn người tài, xây dựng đội ngũ quan chức cho chế độ mới. Cùng với việc mở các trường học và bố trí quan đốc học ở các châu, phủ và các chính sách khuyến học trong lĩnh vực kinh tế thể hiện tầm chiến lược của một nhà hoạt động cải cách năng động và thực tế. Nhưng quan trọng “hạt nhân” cải cách có “tầm vượt trước thời đại” của Hồ Quy Ly trong cải cách giáo dục là tư tưởng phê phán nền giáo dục hư học, từ chương trích cú và hướng đến nên giáo dục thực học, đào tạo những con người có óc duy lý, ham hành động, sáng tạo và gần gũi cuộc sống thực tế.. Ông phê phán nho gia là những người “học thì rộng nhưng tài thì kém, không quan thiết đến sự tình, chỉ chuyên nghề lấy cắp văn chương của người xưa”. Về nội dung chương trình học và chế độ thi cử, ông bỏ cách thi ám tả cổ văn, quy định thêm thí sinh phải thi viết và làm tính…Rất tiếc tư tưởng nền giáo dục thực học đã không được các triều đại sau áp dụng thực hiện.
- Về cải cách kinh tế,  Hồ Quy Ly cho làm sổ hộ tịch trong cả nước, lập phép hạn chế gia nô, hạn điền theo tôi chủ yếu để hạn chế tiềm lực kinh tế, làm suy yếu ảnh hưởng xã hội của tầng lớp quý tộc và địa chủ - cở sở kinh tế, xã hội của chế độ phong kiến đại điền trang, thái ấp tản quyền - để thực hiện mục tiêu xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Theo Wikipedia thì việc phát hành tiền giấy vào cuối thế kỷ 14 không phải là sớm nhưng phát hành tiền giấy và đưa vào lưu thông triệt để vào năm 1396 của Hồ Quý Ly lại là rất sớm so với lịch sử tiền giấy. Việc ban hành cân, thước, thưng, đấu cùng với  đặt Quảng tế (cơ quan coi về mặt y tế) thể hiện tư duy khoa học duy lý của ông, đây là hiện tượng hiếm thấy ở những nhân vật trong lịch sử thời phong kiến ở nước ta.
- Với chính sách, hạn nô là giải phóng “nông nô” và chính sách hạn điền hình thành quỹ đất công chia cho nông dân cấy tô là mang lại lợi ích cho thiết thực cho dân chúng nên nói triều Hồ làm “mất lòng dân”, để “dân oán hận” là tư biện, thiếu cơ sở. Thực ra với chính sách hạn nô là đánh vào quyền lợi và gặp sự phản kháng hoặc thực hiện chểnh mảng của tầng lớp quý tộc nhà Trần và nhất là chính sách hạn điền đánh vào tầng lớp địa chủ bình dân mới lên, cùng chủ trương chống nho Tống làm cho tầng lớp Nho sĩ, một tầng lớp mới bắt đầu thành lực lượng và đã bắt đầu tìm được vị trí cao trong chính quyền từ thời Trần quay lưng lại với triều Hồ mà 2 lực lượng địa chủ và nho sỹ là hai lực lượng gần gũi và có ảnh hưởng tới nông dân nhiều hơn cả. Do vậy trong câu của Hồ Nguyên Trừng tâu: “thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo không mà thôi!” chúng ta phải hiểu “dân” ở đây là ai và vì sao thì mới hiểu được căn nguyên thất bại của triều Hồ.
- Tư tưởng “pháp trị” của Hồ Quý Ly là không tưởng vì thiếu cở sở kinh tế - xã hội để thực hiện. Cơ sở kinh tế xã hội của nhà nước “pháp trị” thực sự là xã hội công dân và nền kinh tế tự do mà các nhà tư tưởng khai sáng của thế kỷ 18 ở châu Âu đã xây dựng và là tư tưởng cách mạng tư sản với mô hình tam quyền phân lập của nhà nước “pháp quyền”. Với xã hội “thần dân” thì “pháp trị” chỉ có thể một chính sách “tình thế” phù hợp trong một giai đoạn nhất thời khi mà xã hội đang khủng hoảng trầm trọng mà thôi. Phân tích như vậy để thấy rằng phê phán ông “tuy có tổ chức cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh, nhưng căn bản vì lên ngôi một cách bất chính, lại thi hành nhiều chính sách vụ lợi cho dòng họ mình trước hết, làm mất lòng dân, không đoàn kết được toàn dân nên cuối cùng thất bại” là chưa thoát khỏi cái nhìn của nho sỹ giáo điều, cổ hủ và nếu phê phán “chưa thoát ra khỏi ý thức hệ phong kiến”,không đáp ứng được yêu cầu dân chủ” lại là đòi hỏi ông…hơi bị quá đà.
Tóm lại, tư tưởng và đường lối cải cách xây dựng nền giáo dục thực học trên tinh thần duy lý và “thế tục” là tiến bộ nhất, phù hợp nhất của Hồ Quý Ly mà dân tộc ta bỏ lỡ suốt 6 thế kỷ qua. Chính hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi sự chuyển đổi từ chế độ phong kiến quý tộc đại điền trang, thái ấp tản quyền sang chế độ phong kiến trung ương tập quyền đã sản sinh ra sự nghiệp cải cách canh tân đất nước của Hồ Quý Ly và cũng chính tư tưởng cải cách đi trước thời đại cùng phong cách cải cách táo bạo, quả quyết của ông với sự khắc nghiệt của lịch sử đã tạo nên một Hồ Quý Ly - “người anh hùng mà nỗi hận còn để đến ngàn năm”. Cái bi –tráng trong cuộc đời Hồ Quý Ly là vậy.
Sự nghiệp cải cách bất thành của Hồ Quý Ly và các cuộc cải cách khác hiếm hoi trong lịch sử thất bại đều có một điểm chung là sự cải cách “từ trên xuống”. Vậy bài học lịch sử cần rút ra là sự cải cách tiến bộ xã hội chỉ có thể thành công phải là “từ dưới lên”, phải từ sự thay đổi chuyển biến của đông đảo các thành viên trong xã hội.







2 nhận xét:

  1. Ngày xưa Tào Tháo học theo Chu Văn Vương mà chỉ nhận Cửu tích chứ không chịu soán ngôi nhà Hán, nhưng lại dọn đường cho con ông là Tào Phi thoát đoạt ngôi Vua. Tào Phi ép Hán Hiến Đế nhường ngôi nhưng 3 lần giả vờ từ chối, đến lần thứ tư mới chịu nhận chính là để vỗ yên lòng thiên hạ. Hồ Quý Ly là kẻ hậu bối, thông quán mọi kinh thư, vậy sao không học theo Tào Tháo & Tào Phi để vỗ yên lòng dân, đó quả là một điều đáng tiếc
    - FB Lê Hữu Sang ạ! ^^

    Trả lờiXóa
  2. With today's modern society, the demanding needs of people are increasing. Not only beauty, eating and playing, but choosing a child's bedroom also requires a lot of factors. Because the bedroom is a place to rest, relax, study and sometimes also play a place for your baby. More: Phòng ngủ trẻ em, Giường tầng bé traiNội thất trẻ em

    Trả lờiXóa