Tài sản mềm của Việt Nam
Khi tôi còn làm cho hãng Eisenberg và Hartcourt vào những năm đầu mở cửa của Trung Quốc (1975-1990), chúng tôi được tiếp đón nồng hậu và được mời đầu tư váo những công ty mà chánh phủ TQ cho là “hòn ngọc”giá trị nhất của họ. Đó là những đại công ty có nhà máy lớn như một sân vận động, hàng chục ngàn nhân công, cơ sở văn phòng bề thế…tọa lạc phần lớn tại các vùng khỉ ho gà gáy (kế hoạch tránh các phi vụ ném bom trong chiến tranh). Những doanh nghiệp nhà nước này mang rất nhiều tính chất xã hội và quản lý theo kiểu “cha chung”…nên thua lỗ thường trực.
Trước 1990, không mấy ai trên thế giới
suy nghĩ nhiều về tài sản “mềm”, mà đo lường sự thịnh vượng thành công
của 1 công ty hay 1 con người qua các đồ chơi sờ mó được như bất động
sản, khoáng sản, thực phẩm, xe cộ, điện máy…
Giá trị của tài sản mềm
Do đó, khi Hartcourt đem tiền đầu tư
chuyên vào các công ty IT hay truyền thông, nhiều tư vấn TQ cho chúng
tôi ngu, đem tiền đi đổ sông Ngô. Ngay đến hôm nay, phần lớn doanh nhân
Việt vẫn không nhận ra giá trị mềm của công ty họ. Khi họ chào bán hay
mời mọc, họ vẫn khoe nhiều về nhà máy hoành tráng, bao nhiêu hectares
đất bao quanh, văn phòng tráng lệ ngay tại trung tâm thành phố và chiếc
xe Rolls Royce họ đang lái…
Tôi có đến thăm tập đoàn Foxconn ờ
Shenzen hai năm về trước. Nhà máy hiện đại với hơn 30 ngàn nhân công, hệ
thống dây chuyền sản xuất và các phòng “sạch” (clean room) vĩ đại trông
rất ấn tượng. Sản phẩm lớn nhất họ gia công là các Iphone, Ipad, Ipod
cho Apple. Trong khi Apple làm chủ bản quyền trí tuệ và thương hiệu nên
kiếm lời khoảng $140 USD mỗi đơn vị Iphone, lợi nhuận của Foxconn khoảng
$7 một chiếc.
Hãng Nike có thương vụ lớn nhất toàn cầu
về giầy dép và trang phục thể thao. Họ không sở hữu bất kỳ nhà máy nào
trên thế giới. Tài sản quý giá nhất là thương hiệu đã xây dựng suốt 50
năm qua và những trung tâm thiết kế và các phòng thí nghiệm hiện đại
nhất về công nghệ và sản phẩm. Những công ty có thị giá cao nhất trên
thế giới đều là những công ty mà giá trị mềm vượt trội: Google,
Microsoft, Facebook, Pfizer, Oracle, IBM…Không một công ty bất động sản
nào nằm trong Top 100 (100 công ty hàng đầu).
Tài sản mềm mang giá trị quan trọng nhất trong lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế tương lai.
Nhìn lại Việt nam, liệu chúng ta có thể
đánh giá được những tài sản mềm? Vai trò của chúng sẽ ảnh hưởng như thế
nào trong chiến lược kinh tế khu vực và toàn cầu? Hãy kiểm điểm.
1. Tài sản con người
Hai yếu tố tạo mũi nhọn cho đội ngũ nhân
lực là sáng tạo và năng động. Đây là phạm trù của tuổi trẻ và Việt nam
thường hãnh diện với một dân số mà 65% dưới 30 tuổi, trên 50 triệu
người. Thêm vào đó, học sinh sinh viên Việt Nam thường tỏa sáng trên các
trường trung đại học khắp thế giới. Cộng với giới trẻ trong nước, Việt
Nam có 3.8 triệu kiều bào có kinh nghiệm nghề nghiệp cao, 32% tốt nghiệp
đại học. Nói chung so với 9 quốc gia còn lại trong khối ASEAN, Việt Nam
dẫn đầu về tiềm lực của nhân tài, trên cả Indonesia với gần 250 triệu
dân.
Tuy nhiên, sự yếu kém của nền giáo dục
lý thuyết từ chương đã làm què quặt tiềm năng này. Công ty Intel đã
không tìm ra đủ 180 nhân viên trung cấp cho nhà máy 1 tỷ đô la của họ ở
Thủ Đức và phải nhập khẩu một số lớn chuyên viên từ Malaysia và Phi Luật
Tân. Các công ty FDI khác tại Việt Nam đều có những than phiền tương
tự.
Thêm vào đó, tư duy sao chép nguyên bản
các tư tưởng truyền thống, các công thức khoa học lỗi thời và chánh sách
dùng người lấy ngoan ngõan làm chỉ tiêu…đã gây thui chột mọi sáng kiến,
mọi đổi mới, mọi tiến bộ. Dù có số lượng giáo sư tiến sĩ cao nhất ASEAN
(gần 10 ngàn người), Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế nộp tại Âu Mỹ
trong 6 năm qua. Năm 2011, trong khi Singapore với 5 triệu dân đăng ký
648 bằng sáng chế, con số từ Việt Nam là zero cho 90 triệu dân.
2. Thương hiệu quốc gia
Các tên tuổi mà mạng truyền thông Việt
không ngừng vinh danh như Vinamilk, Trung Nguyên, Dr. Thanh, Bitis…đều
không có một dấu ấn gì trên thương trường quốc tế. Ngay cả Vietnam
Airlines đáng lẽ phải là một đầu cầu để phát huy các thương hiệu khác
cho Việt Nam trên khắp điểm đến của thế giới đã chưa hoàn thành nhiệm vụ
của mình.
Nhờ vai trò lịch sử trong 2 cuộc chiến
tranh Pháp-Mỹ, Việt Nam đã có tiềm năng để nổi tiếng và tạo thiện cảm
với nhân dân thế giới. Tuy nhiên sau 37 năm từ ngày chấm dứt chiến
tranh, hình ảnh Việt Nam đã mờ dần trong trí nhớ của những thế hệ trẻ
sau này. Sự thiếu vắng những thành quả ấn tượng trên mọi lãnh vực từ
kinh tế đến khoa học, từ nghệ thuật đến thể thao đã bào mòn thương hiệu
Việt Nam.
Nhật Bản phải mất gần 40 năm mới tạo
dựng cho Made In Japan một thương hiệu đồng nghĩa với chất lượng sản
phẩm và sáng tạo. Trung Quốc cố gắng tạo một thương hiệu quốc gia suốt
35 năm qua. Cho đến nay, kết quả ngược lại với mong ước, các thực phẩm,
hóa phẩm Made in China bị tẩy chay trên mọi thị trường, ngay cả tại
chính quốc gia họ. Các sản phẩm tiêu dùng khác của TQ đồng nghĩa với giá
rẻ và biểu hiện của hàng nhái, hàng giả, hàng dởm…
Một may mắn cho Việt Nam là dù nằm cạnh
Trung Quốc và mang nhiều tính chất kinh doanh cẩu thả tương tự, sản phẩm
Việt Nam vẫn chưa bị bôi đen trên thế giới. Tuy nhiên, nếu tiếp tục
copy ông láng giềng về quản lý chất lượng, thương hiệu chúng ta sẽ là
một gánh nặng đè trên giá cả, thay vì hưởng một mức giá cao hơn
(premium) như Nhật Bản.
3. Vị thế trên thị trường
Mọi nền kinh tế cũng như doanh nghiệp
đều có thể tạo cho mình một thế mạnh trong các thị trường ngách, mà
không cần đến các yếu tố cạnh tranh trên. Thí dụ, Thụy Sĩ hay Singapore
không có một nền tài chánh lớn mạnh như Mỹ, Anh…cũng không có đội ngũ
hay công nghệ gì sáng tạo hơn; nhưng họ biết biến quốc gia nhỏ bé của họ
thành một trung tâm tài chánh thế giới qua chánh sách mở rộng mà kín
đáo, hiệu năng và minh bạch.
Việt Nam có thể tìm một lợi thế cạnh
tranh theo phương thức trên. Dù công nghiệp Việt không thể sánh với
Trung Quốc trên rất nhiều phương diện, nhưng các nhà sản xuất Hàn , Nhật
đã đầu tư nhiều vào Việt Nam để tránh rủi ro khi bỏ tất cả trứng vào
cái giỏ Trung Quốc. Về du lịch, dù không thể cạnh tranh với Thái Lan hay
ngay cả xứ nhỏ như Singapore và Mã Lai, Việt Nam có thể đào sâu vào một
chiến lược đặc trưng như sinh thái hay thám hiểm hay hưu trí để tạo thị
trường.
Hai ngành nghề tôi tin là Việt Nam có
thể dẫn đầu tại ASEAN nếu biết phát triển đồng bộ và sáng tạo. Thứ nhất
là nông nghiệp công nghệ cao. Tạo ra những sản phẩm xanh, sạch, an toàn
được đảm bảo bởi những cơ quan kiểm phẩm nổi danh thế giới là bước đầu.
Việc giáo dục huấn luyện cho các nông dân những công nghệ mới, những quy
trình dùng IT để điều hòa và tiếp liệu, sử dụng đội ngũ tiếp thị trẻ và
bén nhậy từ thành phố có thể tạo nên một làn sóng thay đổi bộ mặt của
nông thủy sản Việt Nam. Người tiêu dùng tại các nước Á Châu, nhất là tại
các nơi có thu nhập cao như Hồng Kông, Nhật, Singapore…đang có nhu cầu
rất lớn về an toàn thực phẩm.
Thứ hai là ngành IT (công nghệ thông
tin) tại các thành phố lớn bao quanh bởi các đại học tiến bộ và hiện
đại. Giáo trình học phải thay đổi và các trung tâm IT phải có những cơ
sở hạ tầng tối tân nhất để giúp tính sáng tạo của đội ngũ phát huy đúng
mức. Trên hết, luật về bản quyền trí tuệ phải được thắt chặt và nghiêm
túc thực thi trên mọi cấp bực của thị trường.
4. Văn hóa gia đình và xã hội
Người Việt Nam có một gắn bó thân tình
chặt chẽ với gia đình, làng xóm và đất nước, nên sự đùm bọc và tiếp sức
tạo một thế đoàn kết mạnh hơn chủ nghĩa cá nhân của Âu Mỹ. Nhưng đây
cũng có thể là một bất lợi vì tầm nhìn bị giới hạn, tâm lý bầy đàn rất
cao và quá gần nhau thì cũng dễ gây ra xích mích mâu thuẫn. Một mặt
khác, liên hệ với tha nhân ngoài xã hội lớn đang bị tha hóa và xuống cấp
trầm trọng, tinh thần công dân trở nên tệ hại với những vấn nạn về tham
lam, vô cảm, thói gây ô nhiễm và tư duy ích kỷ.
Nói tóm lại, cơ hội để tạo dựng những
tài sản mềm cho Việt Nam hiện diện trên nhiều lãnh vực và tiềm năng của
các tài sản này có thể là cú hích đưa kinh tế Việt bắt kịp các láng
giềng giầu ở ASEAN trong 1 hay 2 thập kỷ sắp đến. Ba đòi hỏi quan trọng
nhất trong quy trình đột phá này:
1. Tư duy của đại đa số người dân phải
thay đổi để hiểu rằng cái giá phải trả cho sự thịnh vương tương lai là
can đảm vất bỏ ngay lập tức những thói quen tai hại, những tư tưởng lỗi thời và những định kiến sai lầm về
kinh tế, xã hội và văn hóa. Một cuộc đổi mới toàn diện từ trí tuệ của
trí thức, nông nhân công, trẻ già, giàu nghèo là ưu tiên số một.
2. Thành phần ưu tú và đang được hưởng
thụ những thành quả từ sự thay đổi cơ chế phải nắm lấy cơ hội để tạo cho
doanh nghiệp mình đang làm chủ hay làm công lĩnh hội được những kiến
thức, công nghệ hiện đại, những kỹ cương đạo đức dài hạn, những sáng tạo
đột phá trên thị trường và phải bắt đầu xây dựng thương hiệu bền vững.
3. Chánh phủ nên tránh mọi can thiệp vào
vận hành kinh tế của tư nhân, hãy tin vào khả năng kinh doanh của người
dân, Họ dư sức đưa nền kinh tế này vào quỹ đạo của các nước tiến bộ và
qua mặt những đối thủ cạnh tranh tại ASEAN cũng như toàn cầu. Hãy cởi
trói cho họ để họ tự lực cánh sinh và đừng áp đặt thêm những gánh nặng
không cần thiết qua chánh sách thuế khóa công bằng và thủ tục hành chánh
đơn giản minh bạch.
Như Milon Friedman đã nhận xét,” qua bao
nhiêu thời đại với nhiều thể chế kinh tế, không có một hệ thống xã hội
nào có thể cải thiện mức sống của người dân nhanh chóng bằng hệ thống tự
do để mặc cho người dân tự tỏa sáng sự sáng tạo và lao động của họ “
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa
21/9/2012
T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba
làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8
cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới
nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American
Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá
nhân là www.gocnhinalan.com.
Tài sản mềm của nước Mỹ
Tài sản mềm của một quốc gia thường tụ
hội từ nhiều nhân tố. Tài sản lớn nhất của Trung Quốc là 5 ngàn năm lịch
sử và văn hóa đặc trưng của Nho giáo, thể hiện qua lối sống của 1.3 tỷ
dân và hơn 100 triệu Hoa kiều. Mặt trời không bao giờ lặn trên đế chế
Anh 100 năm trước nên người Anh thường rất khôn ngoan trong những lựa
chọn về chính trị, kinh tế và xã hội…vì họ đã từng trải qua bao thời
vàng son cũng như khốn khổ. Hoa Kỳ thì chỉ mới lập quốc hơn 200 năm
nhưng hiện nay, tài sản mềm của nước Mỹ lan tỏa khắp hoàn cầu và tạo
hướng cho rất nhiều trào lưu trong sinh hoạt của nhiều dân tộc.
Dù đa dạng, phức tạp và có thể gây nhiều tranh cãi, trong góc nhìn của tôi, 5 năm tài sản mềm lớn nhất của nước Mỹ gồm có:
1. Niềm tin của người dân
Nếu hỏi một người Mỹ là họ tin vào cái
gì, ngoài đức tin vào tôn giáo riêng, câu trả lời sẽ là một giao ước xã
hội (social contract).
Điều kiện đầu tiên của giao ước là tôi
bình đẳng và tự do trước mọi cơ hội để mưu tìm hạnh phúc cho mình và gia
đình, từ vật chất đến tinh thần. Tôi có thể là một đứa bé da mầu, lớn
lên trong khu ổ chuột nhưng tôi vẫn có thể làm Tổng Thống hay là người
giàu nhất nước Mỹ hay một văn nghệ sĩ tăm tiếng. Độ cao hay thấp của
hành trình hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng và ước muốn của tôi.
Sau đó, tôi được chánh phủ cam kết là
không ai có quyền can thiệp hay ngăn trở bất cứ hành vi nào của tôi miễn
không phạm pháp. Căn bản cũng như chi tiết của hệ thống pháp luật này
phải được xây dựng hay hủy bỏ với sự đồng thuận của đa số cử tri hoặc
người đại biểu do dân bầu. Và tôi tin rằng trước pháp luật, tôi sẽ được
xét xử bởi những người dân khác (bồi thẩm đòan) hoàn toàn độc lập với
mọi quyền lực có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Theo giao ước, để đánh đổi các quyền lợi
trên, tôi phải có trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của những
công dân khác, qua bổn phận đóng thuế hay nhập ngũ. Một phần tiền thuế
sẽ được dùng để cứu giúp và tạo một mạng lưới an toàn (safety net) cho
những công dân kém may mắn. Điều tranh cãi thường xuyên ở đây là chánh
phủ được quyền lấy bao nhiêu tiền của tôi để làm chi phí điều hành cho
bộ máy và bao nhiêu để giúp người khác? Đây cũng là đề tài chính cho bao
cuộc vận động tranh cử tại mọi tầng lớp xã hội.
Dù thế nào, đa số người dân Mỹ tin vào
giao ước xã hội này và những nhân quyền cùng sự tự do tiềm ẩn bên trong.
Niềm tin là nền tảng chung cho mọi thành phần trong sự vận hành quốc
gia và nó tạo sự bền vững cho mọi kế hoạch, ngắn và dài hạn, của cá nhân
hay của chánh phủ.
2. Văn hóa Mỹ Quốc
Sau những đợt di cư đầu tiên từ Âu châu
vào thế kỷ 18, nước Mỹ bắt đầu mở cửa rộng rãi đón nhận mọị sắc dân từ
khắp thế giới. Họ đến với một “giấc mơ Mỹ Quốc” (American dream), họ
chấp nhận giao ước xã hội nói trên và đã không ngừng cùng nhau tạo dựng
một nền “văn hóa Mỹ Quốc” vô cùng đa dạng nhưng đặc thù, vô cùng năng
động nhưng giản dị và minh bạch.
Căn bản của nền văn hóa dân gian này là
sáng tạo trong trí tuệ, hăng say trong công việc, chơi đùa và mua sắm
thỏa thích, tôn trọng riêng tư, không ngần ngại sử dụng quyền lực của
mình, minh bạch trong thông tin, cởi mở thân thiện với người lạ và ý
tưởng mới, không trừng phạt thất bại và tiếp tục cố gắng trong mọi hoàn
cảnh. Trên hết, người Mỹ lạc quan vào sự thành công tối hậu của mục tiêu
đời mình.
Dĩ nhiên, mặt trái của văn hóa Mỹ cho
thấy nhiều nhược điểm. Như một đứa trẻ giàu có, xã hội Mỹ khá ngạo mạn
và không quan tâm nhiều đến văn hóa truyền thống của nhân loại. Câu nói
“my way or highway” (lối của tôi hay lối xa lộ = không theo tôi thì cút
đi) thể hiện trong nhiều hành xử của người Mỹ từ chánh trị đến kinh
doanh. Nhưng đứa trẻ này lại rất sáng tạo trong thời đại của tri thức,
tạo nên những tài sản quý báu cho kho tàng nhân loại từ y tế đến nông
nghiệp, từ IT đến giáo dục, từ tài chánh đến chính trị.
Văn hóa Mỹ đã đóng góp rất nhiều cho bộ mặt ngày nay của ngôi làng toàn cầu với những thay đổi và cải thiện liên tục.
3. Nguồn trí tuệ và tài năng
Ngày xưa mọi con đường đều dẫn đến La
Mã. Ngày nay mọi tài năng đều tìm về đấu trường Mỹ. Trung tâm quyền lực
chánh trị và quân sự tập trung tại Washington DC; tháp cao tài chánh nằm
ở Wall Street; trung tâm phim ảnh là Hollywood; thế giới của công nghệ
cao chọn Silicon Valley làm điểm tựa; và đỉnh cao trí tuệ (sorry, không
phải Hà Nội) là liên minh giáo dục của các đại học Ivy League.
Niềm tin về giao ước xã hội và văn hóa
cởi mở là lý do chính cho sự du nhập của các tài năng thế giới. Đất lành
thì chim đậu. Sự lựa chọn môi trường Mỹ để phát huy sáng tạo và xây
dựng sự nghiệp của họ là một minh chứng hữu hiệu gấp ngàn lần những khẩu
hiệu rỗng tuếch hay chánh sách đãi ngộ trên giấy tờ. Một lưu ý nhỏ:
suốt trăm năm qua, chánh phủ Mỹ chưa bao giờ “quảng cáo” mời gọi các di
dân đến Mỹ hay các Mỹ kiều quay về quê hương đóng góp.
Như một nàng con gái đẹp, thông minh,
đảm đang…nước Mỹ không thiếu những chàng trai trẻ sắp hàng cầu hôn. Ngay
tại những quốc gia mà dư luận thế giới cho là có thể vượt mặt Mỹ trong
vài chục năm tới như Trung Quốc, Nhật, Nga, Ấn Độ…các tài năng địa
phương này đã và đang ào ạt mua vé “một chiều” qua Mỹ. Trong một nền
kinh tế kiến thức, tài năng là những viên ngọc quý cho đội ngũ và Team
America chắc còn nắm lợi thế cạnh tranh này trong dài hạn.
4. Thương hiệu quốc gia
8 trong 10 thương hiệu hàng đầu của thế
giới là của Mỹ. Dù Made in Japan và Germany có thể hấp dẫn khách hàng
trong vài ngành nghề và công nghệ, Made in USA tiếp tục hưởng một
premium (giá nâng cấp) khá cao trong suốt 100 năm qua.
Không phải thương hiệu Mỹ không có thử
thách và đối thủ nặng ký. Trong thập niên 80’s và 90’s kỹ nghệ ô tô Mỹ
bị lão hóa và Toyota, Honda nhẩy vào vị thế hàng đầu tại Mỹ về chất
lượng và doanh thu. Nhưng GM, Ford và Chrysler đã phục hồi nhanh chóng
và thương hiệu Mỹ về ô tô lại chiếm thế thượng phong trên thị trường.
Trong ngành điện thoại di động, Nokia và
RIM (Blackberry) đã nắm thời cơ và dẫn đầu thị trường trong thời gian
ngắn. Tuy nhiên, các công ty Mỹ lại sáng tạo và thay đổi cuộc chơi với
công nghệ và ứng dụng mới. Ngày nay, hệ điều hành của Apple và Google
Android đã thống lĩnh thị phần.
Sự thay máu nhanh chóng của tư duy, tầm
nhìn và trí tuệ Mỹ là một vũ khí rất năng động để giữ vững giá trị của
thương hiệu khi đối diện với cạnh tranh.
5. Cơ chế chánh trị và xã hội
Sau cùng, các tài sản mềm trên lại được
quản lý bởi một cơ chế vô cùng bền vững suốt lịch sử non trẻ của Mỹ. Yếu
tố chính là sự phân quyền rõ rệt của 3 bộ phận: lập pháp, hành pháp và
tư pháp. Hiến pháp Mỹ không cho phép một bộ phận nào có thể thao túng
một bộ phận khác bằng các cuộc bầu cử độc lập và tự do; cũng như việc
chia quyền để các chánh phủ tiểu bang và địa phương không bị sự khống
chế của chánh phủ liên bang (trung ương).
Cẩn thận hơn, các nhà khai sáng nền dân
chủ Mỹ còn đặt tự do ngôn luận vào đệ tứ quyền để đảm bảo minh bạch và
đầy đủ thông tin từ các mạng truyền thông. Chánh phủ Mỹ không được phép
dính líu qua hình thức sở hữu, tài trợ hay kiểm duyệt bất cứ mạng truyền
thông nào tại nội địa Mỹ. Việc xuất bản sách vở và báo chí không cần
bất cứ một giấy phép gì từ chánh phủ. Quyền tự do ngôn luận này được xác
nhận rõ ràng khi Tòa Án cho phép người dân quyền đốt cờ Mỹ hay biểu
tình ủng hộ các kẻ thù của Mỹ.
Cơ chế nào cũng đều tồn tại những sai
lầm hay xung đột mâu thuẫn. Tuy nhiên, nền tảng phân quyền và dân chủ
tạo nên một minh bạch rất cần thiết để ngăn ngừa sai phạm. Những tranh
luận tự do khắp nơi khắp lúc đem đến cho người dân một cảm nhận là họ
đang tham dự vào việc điều hành đất nước và mọi quyết định quan trọng về
hướng đi của chánh sách công phải được sự đồng ý của họ. Cơ chế này là
yếu tố quan trọng để tạo niềm tin.
Tóm lại, qua bao cơn bão lớn nhỏ
của tình hình thế giới, trong chiến tranh hay hòa bình, các tài sản mềm
quý báu này đã góp phần quan trọng nhất để giữ vững đế chế Mỹ hiện nay.
Sức mạnh quân sự, thủ thuật chánh trị, chiến lược tài chánh…không phải
là những nhân tố để làm nuớc Mỹ vĩ đại. Thực ra, nhiều người đang phản
biện đây là những nhược điểm của hệ thống Mỹ. Tôi vẫn thường nói, nửa
đùa nửa thật, là Mỹ đã thắng Liên Xô nhờ những giấc mơ từ Hollywood, thủ
thì hàng ngày với người dân Nga và Đông Âu rằng, cái thiên đường thực
sự của chúng ta là sự tự do của trí tuệ và con tim qua các câu chuyện
thần kỳ trên màn bạc hay trên TV. Ngày nay là Internet.
Cố Tổng Thống J. F. Kennedy bầy tỏ rõ
ràng hơn về giá trị của tài sản Mỹ,”Chúng ta phải tin là dân Mỹ đủ trí
khôn để phán xét các sự kiện bất ổn, các ý tưởng ngoại lai, các triết
thuyết lạ kỳ và các giá trị khác biệt. Bởi vì một quốc gia không dám để
cho người dân quyền quyết đoán về sự thật và giả dối trong một môi
trường tự do là một quốc gia sợ sệt ngay chính người dân của mình.”
Alan Phan
T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn
ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8
cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới
nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American
Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá
nhân là www.gocnhinalan.com.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét