10-9-2012 (VF) – New York Times (tháng 4-2012) giới thiệu góc nhìn của tác giả nổi tiếng Thomas Friedman về cuốn Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của Quyền lực, Thịnh vượng, và Nghèo đói (Why Nations fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty)
được viết bởi tác giả Daron Acemoglu và James Robinson, xuất bản Tháng
3, 2012. Cuốn sách đã nhận được hơn 100 review của nhiều tác giả và độc
giả với những tranh luận sâu sắc.
——
Càng đọc chúng ta càng thấy hành động của Mỹ ở Afghanistan thật ngớ
ngẩn và người Mỹ cần phải làm rất nhiều để cải tổ chính sách viện trợ
nước ngoài của mình. Nhưng điều đáng quan tâm nhất là những luận điểm
tác giả đưa ra về chính sách của Mỹ và Trung Quốc.
Đồng tác giả, Acemoglu – nhà kinh tế thuộc M.I.T và Robinson – nhà
nghiên cứu chính trị tại Harvard, trong cuốn sách khẳng định rằng sự
khác biệt cơ bản giữa các quốc gia nằm ở “các tổ chức chính trị”. Các
quốc gia sẽ trở nên hùng mạnh khi họ phát triển chính sách kinh tế và
chính trị “bao hàm” (inclusive), và sẽ thất bại nếu ưu tiên chính sách
“khai thác” (extractive) và tập trung quyền lực, cơ hội chỉ trong một
nhóm nhỏ.
“Các tổ chức chính trị bao hàm thực thi các quyền tài sản, tạo ra một
sân chơi bình đẳng, và khuyến khích đầu tư vào công nghệ mới và các kỹ
năng, sẽ đưa đến tăng trưởng kinh tế tốt hơn so với tổ chức chính trị
khai thác – được thiết kế để một nhóm nhỏ có thể khai thác nguồn lực của
phần đông trong xã hội”, theo cuốn sách.
“Các tổ chức kinh tế bao hàm và tổ chức chính trị bao hàm trợ giúp
qua lại lẫn nhau, phân chia quyền lực chính trị rộng rãi và có thể đạt
được mức độ tập trung chính trị đủ để tạo ra luật pháp và trật tự, là
nền tảng của các quyền tài sản được đảm bảo, và một nền kinh tế thị
trường bao hàm”. Ngược lại, các tổ chức chính trị khai thác, bằng cách
tập trung quyền lực vào một nhóm nhỏ, sẽ bảo hộ các tổ chức kinh tế khai
thác nhằm duy trì quyền lực của mình”.
Acemoglu giải thích trong một cuộc phỏng vấn rằng luận điểm chủ đạo
trong cuốn sách là vấn đề các quốc gia sẽ trở nên thịnh vượng khi họ xây
dựng các thể chế kinh tế và chính trị nhằm “giải phóng”, trao quyền và
bảo vệ tiềm năng tối đa của các công dân trong vấn đề cải tiến, đầu tư
và phát triển. So sánh mức độ thành công mà Đông Âu đã làm được sau sụp
đổ của chủ nghĩa Cộng sản với các nước hậu Xô Viết như Georgia hay
Uzbekistan, hay giữa Israel với các nước Arab, hay giữa Kurdistan với
phần còn lại của Iraq. Tất cả đều chỉ nằm ở vấn đề thể chế.
Các tác giả khẳng định, bài học lịch sử đó là chúng ta không thể đạt
được mục tiêu kinh tế nếu không có thể chế chính trị đúng, đây là lí do
vì sao các tác giả không đồng ý với quan điểm rằng Trung Quốc đã tìm
được công thức thần kì kết hợp giữa kiểm soát chính trị và phát triển
kinh tế.
Theo Acemoglu, “Trung Quốc đang mở rộng kinh tế dưới thể chế khai
thác – dưới sự chuyên chế của Đảng Cộng sản, qua đó Đảng có sức mạnh
độc quyền và huy động các nguồn lực ở mức độ đủ lớn nhằm kích thích kinh
tế bùng nổ từ nền tảng rất thấp”, nhưng điều đó sẽ không bền vững bởi
vì hành động này không ủng hộ “sự phá hủy mang tính kiến tạo”, điều cực
kì cần thiết dẫn đến đổi mới và thu nhập cao hơn.
“Để có tăng trưởng nền kinh tế phải có đổi mới và đổi mới không thể
tách rời khỏi quá trình phá hủy mang tính kiến tạo, quá trình này thay
thế cái cũ bằng cái mới và làm biến đổi những mối quan hệ quyền lực đã
bám rễ trong chính trị”, theo các tác giả.
Acemoglu phát biểu: “Trừ phi Trung Quốc chuyển đổi sang nền kinh tế
dựa trên sự phá hủy mang tính kiến tạo, tăng trưởng của quốc gia này sẽ
không kéo dài”. Nhưng liệu bạn có thể tưởng tượng một sinh viên 20 tuổi
bỏ học đại học ở Trung Quốc được cho phép thành lập một doanh nghiệp đã
thử thách cả khu vực kinh tế nhà nước (được cấp vốn bởi các ngân hàng
nhà nước)?”.
Quan điểm sau sự kiện 9/11 rằng điều đã làm suy yếu thế giới Arab và
Afghanistan là sự không tồn tại một nền dân chủ là quan điểm không sai,
theo Acemoglu. Nhưng cái sai chính là quan điểm rằng chúng ta có thể
khai thác sự thiếu thốn này. Thay đổi dân chủ, để bền vững, phải xuất
phát từ các thay đổi gốc rễ, “nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta
không thể làm gì”, theo Acemoglu.
Ví dụ, chúng ta có thể chuyển từ việc trợ giúp quân sự cho các nước
như Ai Cập và thay vào đó cho phép nhiều khu vực hơn trong các xã hội đó
có tiếng nói chính trị. Hiện tại tôi cho rằng chính sách viện trợ của
Mỹ tới Ai Cập, Pakistan và Afghanistan trên thực tế là một khoản tiền
chuộc Mỹ trả cho nhóm đứng đầu để họ không tham gia vào các hành động
xấu. Chúng ta phải chuyển những khoản này thành mồi câu.
Acemoglu gợi ý rằng thay vì viện trợ quân sự cho Cairo thêm 1,3 tỉ
USD, Mỹ nên yêu cầu Ai Cập thiết lập một ủy ban đại diện cho tất cả các
khu vực trong nền kinh tế trong xã hội và ủy ban này sẽ nói cho chúng ta
biết tổ chức nào – trường học hay bệnh viện – muốn có viện trợ nước
ngoài, và họ phải đưa ra những đề xuất hợp lí.
Nếu Mỹ viện trợ, “hãy sử dụng viện trợ để bắt các quốc gia phải mở rộng bàn đàm phán và củng cố các vấn đề nền tảng”.
Mỹ chỉ có thể là lực đẩy. Ở đâu có các thay đổi cơ sở nhằm xây dựng
các tổ chức bao hàm, ở đó Mỹ có thể giúp sức. Nhưng Mỹ không thể tạo ra
hoặc thay thế các tổ chức này. Tệ hơn nữa, ở Afghanistan và nhiều nước
Arab, chính sách của Mỹ đã ngăn cản sự thay đổi cơ sở bằng các chính
sách thuận tiện. Vì vậy sẽ chẳng có gì để tiến hành phép nhân. Khi nhân
số 0 với 100, kết quả vẫn là 0.
Còn phía Mỹ thì sao? Acemoglu cho rằng sự gia tăng khoảng cách kinh
tế ngày càng lớn cũng đang làm suy yếu dần thể chế bao hàm của Mỹ. “Sự
bất bình đẳng kinh tế, khi lớn đến mức như bây giờ, sẽ chuyển thành bất
bình đẳng chính trị”. Khi một người có thể viết một tấm séc để trả cho
cả một chiến dịch tranh cử, thử hỏi bạn sẽ khách quan đến mức nào khi
được lựa chọn và nghe tiếng nói của các bên đối lập?
_____
* Nguồn: NYT, 4-2012
http://www.vietfin.net/trong-nguoi-ngam-ta-tai-sao-cac-quoc-gia-that-bai-va-goc-nhin-thomas-friedman/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét