Buổi học đầu tiên của tôi



 Mái nhà thời thơ ấu của tôi là một căn nhà lá nằm đơn độc giữa một gò đất, xung quanh cây cối um tùm, nổi lên giữa cánh đồng quanh năm mênh mông nước và chỉ duy nhất một lối đi nhỏ nối vào làng. Theo những người già trong làng kể lại thì thế đất làng tôi có hình một con rồng, gò đất nhà tôi ở chính mắt của rồng và vì thế đã bao đời không có ai dám ra đấy ở. Năm bố mẹ tôi lấy nhau cũng là năm xẩy ra cuộc cải cách ruộng đất. Vì không chịu được những câu đấu tố…đổng nên bố tôi ra gò đất biệt lập như một ốc đảo ấy cất ngôi nhà lá rồi đón ông, bà nội tôi ra đấy ở. Thế rồi lần lượt cả 7 chị em chúng tôi được sinh ra và lớn lên trong căn nhà ấy. Mấy chị em tôi quanh năm suốt tháng chỉ thơ thẩn chơi với nhau quẩn quanh trong ốc đảo, hiếm khi đi vào trong làng. Chỉ những ngày tết, giỗ, bố mẹ tôi mới dẫn chúng tôi vào làng đến chơi nhà các bác và nhà ông bà ngoại tôi mà thôi.


 Năm lên 6 tuổi, tôi đã có 2 đứa em và trên tôi có chị gái đầu và tiếp đó là anh trai tôi. Cả 5 chị em chúng tôi đều lít nhít chỉ hơn kém nhau hai, ba tuổi, trong đó tôi là đứa “ngỗ ngược” nhất – đến bây giờ thỉnh thoảng chi tôi vẫn còn kể tội ngày xưa tôi đã “bắt nạt” chị tôi như thế nào. Bố tôi công tác xa nhà, mình mẹ phải trông nom tất cả từ việc đồng áng, nội trợ, trông nom con cái đến việc họ mạc và lễ lạt trong làng. Một lần ghé về thăm nhà, bố chợt nhìn nhìn tôi rồi như nhớ ra và quay sang nói với mẹ:
- À, mẹ nó này. Cu ni sắp tới phải vào lớp 1 rồi mà răng chưa cho nó đi học vỡ lòng*.
- Ờ, ờ..chết rồi. Vì mãi bận công việc, tôi cũng quên đi mất. Dễ chừng muộn mất mấy tháng rồi đấy. Thày nó coi răng thì tính. Mẹ tôi nói.
Bố tôi không nói gì nữa, chỉ lẵng lặng mặc quần áo rồi đi vào làng. Tôi nghĩ bố tôi vào làng thăm ông bà ngoại nên định chạy theo thì bố tôi ngăn lại. Sau bữa cơm tối hôm ấy, bố gọi tôi và chị tôi lại, đưa tôi một quyển vở, một cây bút chì và dặn dò:
- Thầy đã gặp cô Tâm dạy vỡ lòng rồi. Cô nhận con vào lớp và hứa sẽ kèm con học để sắp tới kịp vào lớp 1. Con phải chăm học, ngoan và vâng lời cô bảo.
Rồi bố bảo chị tôi:
- Mai thày phải đi sớm, con dẫn em đến lớp ở ngoài đình làng rồi hãy đến trường.

 Không biết lần đầu tiên chuẩn bị cắp sách đi học mọi người có cảm xúc thế nào, tôi chẳng có cảm xúc gì và trong đầu tôi cũng không chút suy nghĩ đi học sẽ như thế nào. Sáng hôm sau tôi theo chị đến lớp cũng chỉ như đôi lần tôi được chị cho đi theo vào làng đến nhà các bác hay ông bà ngoại mà thôi. Khi vào lớp cô Tâm giới thiệu tôi với cả lớp và xếp tôi ngồi ngay đầu bàn đầu bên cạnh một cô bé. Lớp chỉ khoảng gần hai chục đứa sàn sàn tuổi tôi ở trong làng nhưng tôi không hề biết mặt đứa nào. Trước khi vào học cô bảo:
- Hôm nay chúng ta sẽ học đánh vần các chữ “ Giỏ cá”  và Giã giò”. Em V. cứ ngồi nghe cả lớp đọc để làm quen. Giờ sau cả lớp tập viết, cô sẽ dạy em học riêng.
Sau đó cả lớp đồng thanh đọc đánh vần theo nhịp gõ thước của cô, rồi cô chỉ từng đứa đứng lên tập đọc. Đến giờ ra chơi cả lớp ùa ra sân. Tôi vẫn ngồi lại một mình trong lớp và ngó chúng nó chơi với nhau. Bọn con gái thì nhóm chơi nhảy dây, nhóm chơi nhảy nụ nhảy hoa, thỉnh thoảng lại cãi nhau chí chóe. Bọn con trai quây tròn chơi cù (con quay) hò hét, cãi vả nhau inh ỏi. 


Vào tiết tập viết cô đặt lên bảng một tấm bìa bằng trang vở học sinh có in sẳn một chữ “g” làm mẫu, nhắc lại cách viết bắt đầu từ đâu, nhớ chữ “g” kéo xuống dài hai dòng rưỡi…rồi cô giao mỗi em tập viết một trang. Cô lại chỗ tôi đưa quyển sách học vần vỡ lòng và bảo:
- Các bác bên tổ đội hợp tác vừa gọi cô sang làm sổ sách tính công điểm gấp để chiều họp, thôi em cứ ngồi đây xem sách này đi nhé.
Cả lớp cặm cụi ngồi tập viết, thỉnh thoảng lại có tiếng hỏi: chổ ni viết răng mi? Mi đưa tau mượn cục tẩy… Còn tôi ngồi lần giở xem các tranh trong quyển sách chán lại ngó ra sân lơ đãng ngắm đàn chim sẻ đang lích rích trong đống rơm ở góc sân rồi lại dõi theo cặp vợ chồng chim chào mào đang đú đỡn chao qua chao lại trên ngọn cây hoa gạo cũng đã bắt đầu nhú ra những nụ hoa nho nhỏ chút phớt hồng. Bất chợt cơn buồn ngủ ập đến, tôi không biết làm gì nữa nên đành giở vở ra, cầm bút chì cố gắng bắt chước viết chữ “g” theo mẫu trên bảng. Sau hồi luay huay tôi cũng đã tạo được một cái hình ngoằn ngèo được gọi là chữ “g” vào giữa trang giấy và cũng to như chữ mẫu trên bảng. Vừa lúc đó con bé ngồi bên ngó sang và hét: Ơ, răng mi lại viết rứa? Rồi nó quay xuống gọi: bay ơi, lại đây xem thằng ni viết này. Thế là cả lớp ùa lên giằng quyển vở của tôi tranh nhau xem rồi chúng hùa nhau giễu cợt, trêu chọc tôi và cười ngặt nghẽo. Đỏ bừng mặt vì vừa tức và xấu hổ, tôi lao vụt ra khỏi lớp chạy vội về nhà. Mặc dù tối hôm ấy cô đến nhà gặp mẹ tôi trao đổi lại sự việc và động viên tôi tiếp tục đi học nhưng dù mẹ tôi nắm tay kéo đi hay vừa đánh tôi, mẹ vừa khóc, tôi cũng dứt khoát không chịu đi học nữa.

Đấy, ngay buổi học đầu tiên, tôi đã bị "ném đá"  như vậy đấy.

* thời tôi đi học thì cấp tiểu học gọi là cấp I gồm từ lớp 1 đến lớp 4. Trước khi 7 tuổi vào học lớp 1 phải học lớp tập đọc, tập viết gọi là Lớp Vỡ lòng. Giáo viên dạy vỡ lòng không qua đào tạo và không trong biên chế nhà nước. Thường mỗi làng có một lớp do một người được làng cử ra dạy.

Kỳ sau: Thầy giáo đầu tiên của tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét