Donald
Holzman
Nếu
lòng mong muốn tìm kiếm một cái gì vĩnh cửu hoặc có ý nghĩa tuyệt đối vượt lên
trên cuộc sống hàng ngày dường như là một hiện tượng phổ biến ở loài người thì
mỗi nền văn minh lại có một cách tìm kiếm khác nhau. Nghiên cứu một trong những
cách thức mà người Trung Hoa đã dùng để đạt tới ý nghĩa cao xa ấy của cuộc sống
sẽ giúp chúng ta hiểu biết phần nào những nền tảng của nền văn minh Trung Quốc
và đồng thời cả nền văn minh của chúng ta.
Trong quá trình lịch sử mấy nghìn năm, người Trung Quốc
đã theo nhiều loại tín ngưỡng. Đạo hiếu chắc chắn là một tín ngưỡng cổ xưa
nhất. Theo các nhà khảo cổ, một ngôi mộ ở Bàn Sơn miền đông Cam Túc đã chứng
minh rằng ngay đầu thiên niên kỷ thứ ba, người Trung Quốc đã có tục lệ thờ cúng
tổ tiên. Đạo hiếu chính là nền tảng của tín ngưỡng cổ xưa nhất ở Trung Quốc.
Thờ Thượng đế nhất thiết phải thờ qua tổ tiên, nhà vua đứng trung gian giữa
Trời và người. Có những bằng chứng cho thấy đạo hiếu đã có từ thời đầu lịch sử
Trung Quốc dù rằng chữ hiếu không thấy có trong các văn bản cổ xưa nhất là
những lời bói toán khắc trên xương. Một học giả Trung Quốc cho biết vào năm
1974, trên các đồ chứa đựng bằng đồng có từ 1000 năm trước C.N., ông đã đếm
được 64 bản văn có chữ hiếu trong những văn cảnh chỉ rõ là hiếu đối với cả
những người còn sống trong gia đình (cha, mẹ, anh) cũng như đối với tổ tiên.
Ngày nay khó có thể hiểu được đạo hiếu ở Trung Hoa
thời xưa chính xác nghĩa là gì. Những bản văn nói về đời sống hàng ngày quả
hiếm không cho phép dựng lại chi tiết cuộc sống hàng ngày của một gia đình
Trung Quốc cách đây 3000 năm chẳng hạn. Tuy nhiên cũng có những bản văn giúp ta
hình dung được cảm nghĩ của người Trung Quốc thời đó đối với cha mẹ và cho ta
một hình ảnh về đời sống gia đình của họ khá giống đời sống gia đình người
Trung Quốc ngày nay. Ví dụ bài đoản ca số 202 trong phần Tiểu nhã của Kinh
thi có kể câu chuyện xúc động của một em bé mồ côi khóc cha mẹ và quyển
Thượng thư có nhiều chỗ nói đến đạo hiếu, phần quan trọng nhất (và có lẽ là
phần cổ xưa nhất) là đoạn trong bài Khang cáo. Đoạn này không những so sánh
những đứa con bất hiếu với những kẻ “tội phạm nặng nhất” mà còn nghiêm trách
thái độ của đứa con hư “làm đau lòng cha mẹ”.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng trong những câu
chuyện xa xưa ấy về những người con hiếu thảo có những điều khó chấp nhận hoặc
khó hiểu đối với ai không phải là người Trung Quốc. Phần ghi chép rất muộn về
sau này của cuốn Thượng thư đã kể lại chuyện của Thuấn – một anh hùng
văn hóa – đồng thời cũng là một người con nhẫn nhục đến khó hiểu đối với người
cha mù và bà dì ghẻ độc ác. Đó là câu chuyện điển hình về người con có hiếu.
Quyển Tả truyện thời Xuân Thu, thường được coi là ra đời vào giữa thế kỷ
thứ 4 trước C.N. song có một số đoạn có thể coi ở vào thế kỷ thứ 8, là một
trong số những tác phẩm cổ hiếm hoi giúp chúng ta hiểu về đời sống hàng ngày
thời xưa, cũng kể những câu chuyện khó tin như vậy.
Không phải ngẫu nhiên mà truyện đầu tiên trong Tả
truyện là chuyện về lòng hiếu thảo. Câu chuyện kể lại hành vi của Trịnh
Trang Công vẫn giữ tròn chữ hiếu với người mẹ đáng lý ra phải bị trừng phạt vì
đã đối xử rất tàn tệ đối với ông. Vậy mà các nhà phê phán, và trước tiên là tác
giả cuốn Tả truyện, còn chê trách hành vi của ông là chưa đúng mức. Cũng
khó mà tin được các chuyện về Cấp Tử (695 trước C.N.) hay Thân Sinh (659 và 655
trước C.N.) thà chịu chết chứ không chịu khước từ những yêu sách quá đáng của
cha. Những câu chuyện như vậy đã biến đạo hiếu thành sự tuân thủ mù quáng đối
với cha mẹ.
Những ví dụ đầu tiên đó về vai trò quan trọng của
chữ hiếu đã được các triết gia thời Hoàng kim xác nhận mạnh mẽ. Tất cả các
trường phái triết học, kể cả đạo Lão đả phá sự sùng tín lẫn phái Pháp gia bài
truyền thống, đều coi lòng hiếu thảo là một tình cảm tự nhiên và tất yếu của
con người. Thực vậy, gắn chữ hiếu với chữ trung, phái Pháp gia đã đem lại cho
nó một vị trí quan trọng mà nó chưa từng có và rồi được duy trì mãi cho đến
ngày nay trong công việc chấp chính của nhà nước.
Đối với Khổng Tử, chữ hiếu là nền tảng triết lý của
ông, nhưng các ý kiến của ông cho thấy rằng, đối với ông, đức tính này phải
vượt lên trên sự hợp lý thông thường và phải được coi là một cái gì bất khả xâm
phạm. Mọi người đều thừa nhận rằng trong tác phẩm Luận ngữ của ông,
Khổng Tử đã để lại cho Trung Quốc và thế giới những câu châm ngôn ý nghĩa cao
cả, giàu nhân tính và có sức truyền cảm sâu sắc trong lịch sử loài người. Nhưng
tôi nghĩ những lời dạy của ông về đạo hiếu quá cứng nhắc và độc đoán, tưởng như
thốt ra từ miệng một người khác, một môn đệ nào đó cố bám lấy lời văn của đạo
Khổng mà quên mất tinh thần của nó.
Nhưng tôi không dám chắc rằng đúng là như thế. Cũng
có thể vì chữ hiếu đóng một vai trò cơ bản trong tư tưởng của người Trung Quốc
nói chung và tư tưởng của ông nói riêng nên Khổng Tử mới dùng đến cái giọng
quyết đoán hoàn toàn xa lạ với các ngôn luận khác của ông chăng? Và phải chăng
chính vì người Trung Quốc coi chữ hiếu như một điều tuyệt đối, một cái gì đã
được tất cả chấp nhận, không phải bàn cãi gì nữa nên đức tính ấy mới tạo ra một
kiểu anh hùng đạo lý, hoặc thánh hiền đặc biệt? Nghiên cứu kỹ về các “thánh
hiền” này là điều rất lý thú và sẽ giúp chúng ta hiểu được một khía cạnh cơ bản
trong tư tưởng Trung Hoa.
Trong quyển Tả truyện, chúng ta đã gặp ba
người xử sự một cách hết sức kỳ lạ, trong đó có hai người đã phải tự tử để mù
quáng tuân theo các ý muốn đôi khi rất phi lý của cha mẹ. Những tấm gương hy
sinh như vậy không thiếu trong thời xa xưa, nhưng phải chờ đến đế chế thì những
chuyện về đạo hiếu mới phổ biến và được ghi lại chi tiết đến mức chiếm một
chương riêng ở 20 bộ sử trong số 24 bộ sử các triều đại, không kể những tuyển
tập nói riêng về chữ hiếu rất thịnh hành chẳng khác gì cuốn Cuộc đời của các
vị Thánh rất phổ biến ở châu Âu mãi cho đến một thời kỳ rất gần đây. Sở dĩ
đạo hiếu được miêu tả chi tiết trong thời đế chế, là vì nó đã được thể chế hóa
thành đạo “vua tôi”, được ban thưởng những ân huệ và chức tước dẫn đến những
địa vị cao sang trong bộ máy nhà nước.
Những ví dụ cổ xưa nhất về đạo hiếu cực đoan mà tôi
đọc được trong các bộ sử các triều vua là ở quyển Hậu Hán thư, chủ yếu ở
chương 39, chương nói riêng về đạo hiếu và có lẽ được viết vào giữa thế kỷ thứ
4 trước C.N.
Lời tiểu dẫn của chương 39 kể lại hai tấm gương.
Tấm gương thứ nhất là một người đi làm quan trong triều chỉ cốt để có điều kiện
chăm lo cho mẹ mà không hề nghĩ đến danh vọng cá nhân. Gương thứ hai là một
chuyện điển hình đến nỗi tôi xin trích dẫn nguyên văn:
“Dưới thời An Đế (trị vì từ 107 đến 126 C.N.) có
một người tên là Tiết Bao, quê ở Nhữ Nam, miền nam Hà Nam, tính cần cù hiếu học
và thật thà. Khi mẹ chết, anh nổi tiếng là người con có hiếu trong suốt thời kỳ
cư tang. Cha anh tục huyền. Bà mẹ ghẻ ghét anh và đuổi anh ra khỏi nhà. Anh
khóc ngày khóc đêm, không bỏ đi nổi, đến nỗi người ta phải vác gậy đuổi anh đi.
Anh trú thân trong một túp lều gần nhà cha. Cứ sáng sáng anh lại vào nhà cha
quét dọn khiến cho ông này nổi giận và lại đuổi anh đi. Cuối cùng anh sống
trong một túp lều dựng cạnh cổng, sáng chiều luôn chào hỏi cha mẹ. Sau một năm
xử sự như vậy, cha mẹ anh cảm thấy xấu hổ và cho anh trở về nhà”.
Sau này khi cha và dì ghẻ chết, anh để tang lâu gấp
hai hay ba lần lệ thường. Tiết Bao là ví dụ điển hình về những người con hiếu
được kể trong các thư tịch thời kỳ này. Thực ra, nếu đem so Tiết Bao với những
người khác được nói đến trong Hậu Hán thư thì hành vi của anh cũng gần như là
bình thường.
Ta đọc được những chuyện trẻ em bốn tuổi không chịu
ăn uống gì khi cha mẹ ốm hay chuyện người đàn ông “ăn chay hơn 10 năm sau khi
cha chết và giỗ cha bằng cách nhịn đói ba ngày”. Còn nhiều chuyện khác lạ lùng
hơn nữa như chuyện Dương Trấn (chết năm 124) xuất thân trong một gia đình công
thần lâu đời nhà Hán nhưng lại chọn nghề dạy học để lánh xa đời sống chính trị.
Mất cha từ lúc còn trẻ và nghèo, anh sống một mình
với mẹ. Một người học trò của anh muốn trồng bắp cải giúp anh trên mảnh đất nhỏ
anh mướn để sinh sống. Nhưng mỗi lần học trò anh trồng cái gì thì anh lại nhổ
đi đem trồng chỗ khác xa hơn. Những người láng giềng lấy anh làm tấm gương hiếu
thảo. Như vậy có nghĩa là, để tỏ lòng hiếu thảo Dương Trần không để mẹ anh ăn
những bắp cải không phải do tự tay anh trồng.
Nhổ bắp cải đi để trồng lại là một biểu hiện của
hiếu thảo thực ra cũng vô hại, nhưng có một ví dụ khác hiếu đễ thái quá có thể
dẫn đến cái chết. Ví dụ nổi tiếng nhất là câu chuyện người con gái tên là Tào
Nga, sống ở một vùng gần Thiệu Hưng, thuộc tỉnh Triết Giang ngày nay. Cha cô là
một pháp sư bị chết đuối vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch (ngày 6 tháng 6 năm
143) trong khi làm lễ tế Hà bá. “Người ta không vớt được xác ông. Con gái ông
là Tào Nga, lúc bấy giờ 13 tuổi, cứ quanh quẩn bên bờ sông suốt ngày đêm, khóc
than không ngớt. Và 7 ngày sau thì cô bé gieo mình xuống sông tự vẫn”.
Một cô gái khác ở một vùng thộc tỉnh Tứ Xuyên ngày
nay, đã nhảy xuống sông ở ngay chỗ cha cô chết đuối và sáu ngày sau, người ta
vớt được xác của cô bám chặt lấy xác người cha. Có thể kể thêm trường hợp một
người con có hiếu khác bị chết đuối khi lội quá xa bờ sông lấy nước cho mẹ uống
vì bà thích uống nước sông hơn nước giếng.
Những trang sách trong Hậu Hán thư và thực
ra toàn bộ lịch sử Trung Quốc đều đầy rẫy những ví dụ hy sinh, những chuyện mầu
nhiệm và những sự hành hạ độc ác (thường là của dì ghẻ hoặc mẹ chồng), sự chịu
đựng một cách nhẫn nhục, những vụ tự vẫn trở nên vô ích, ấy là còn chưa nói đến
những biểu hiện kỳ quái về tình huynh đệ của những người chồng cứ muốn ngủ
chung giường với anh em trai, chỉ đến với vợ khi cần sinh con đẻ cái.
Nên nghĩ như thế nào về những hành vi kỳ lạ ấy?
Những chuyện này đúng là làm cho chúng ta nhớ đến hành vi của các vị thánh đạo
Cơ đốc thời cổ đại và Trung cổ. Họ đều đã hành xác một cách như hôn người hủi,
nhịn đói, hoặc làm bao việc cực đoan khác mà vẫn cho là mình chưa chứng tỏ đầy
đủ lòng yêu kính đấng Tạo hóa. Phải chăng đó là một hiện tượng tương tự như đạo
hiếu ở Trung Quốc.
Người ta thường nhận thấy rằng thế giới quan của
người Trung Quốc đượm vẻ trần tục hơn thế giới quan của người phương Tây nhiều.
Người Trung Quốc thường hay coi trọng tính nội tại hơn tính siêu nghiệm và khi
nâng tâm hồn về phía “Tạo hóa”, họ không chịu có bước nhảy siêu hình mà người
châu Âu cho là đương nhiên, mà lại quay về với những người sinh tạo ra họ, tức
cha mẹ họ.
Sách Hiếu kinh, một tác phẩm tầm thường có
từ cuối thời kỳ cổ đại hoặc đầu thời kỳ Đế chế được phổ biến rộng rãi khác
thường trong suốt lịch sử Trung Quốc, cũng đã nói đúng như vậy. Chương 9
có nói: “Tôn kính cha mình không có cách nào cao hơn là tôn người lên làm trung
gian của Trời.” Nội dung Hiếu kinh cho thấy các tác giả nói đến những tục lệ
tín ngưỡng lâu đời nhất của người Trung Quốc mà chúng ta biết được: những lễ tế
tổ tiên của các triều đại để các vị đó xin trời phù hộ cho con cháu họ. Ở đó có
một quan niệm thần bí về vai trò của người cha được coi nếu không phải là Trời
thì cũng là đại diện của Trời. Như vậy là, người Trung Quốc hầu như đã thần
thánh hóa cha mẹ. Hành vi nói lên một cố gắng, cũng như ở người phương Tây,
nhằm vượt lên trên bản thân mình để ca ngợi những kẻ sinh tạo ra mình tức là
cha mẹ họ.
Chú thích:
(*) DONALD HOLZMAN, sinh tại Chicago (Mỹ), là
Giám đốc Viện Cao đẳng Hán học Paris, Khoa trưởng Trường Cao đẳng Khoa học xã
hội Paris, giáo sư về “Các thể chế ở nước Trung Hoa đế chế” tại trường này.
Nguồn: triethoc.edu.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét