Người thầy giáo đầu tiên của tôi



File:Ếch đi học.JPG
Sau cái vụ “tái hòa nhập cộng đồng” đầu tiên của tôi không thành công, mẹ tôi phát hiện thằng em trai tôi hơn 4 tuổi đã chậm nói lại còn nói ngọng. Khổ thân thằng em tôi, khi nó muốn diễn đạt một điều gì đó, mặt đỏ dừ lên mãi mới phát ra được một từ ngọng líu không ai hiểu được là nó muốn nói gì. Mẹ tôi tá hỏa lên, dồn tất cả tâm trí lo dạy em tôi tập nói. Sau này nhiều lúc tôi vẫn hay nghĩ lại và tự hỏi: tại sao em tôi chậm nói và nói ngọng nặng như vậy; mẹ tôi chỉ là một người phụ nữ nông thôn, chỉ học hết lớp 3 trường tư thục ở làng, vốn liếng chỉ vẻn vẹn có mấy tháng tham gia dạy “bình dân học vụ” lại có thể hiểu và biết cách dạy em tôi tập nói một cách tương đối khoa học.
 Mọi người lại nhanh chóng quên cái vụ đi học của tôi và ngày ngày tôi lại được tha hồ thơ thẩn chơi với những ong, bướm bay lượn trong vườn. Chừng hai tháng sau, bố tôi về thăm nhà, khi biết chuyện tôi không chịu đi học, bố chỉ bảo: Thôi, bây giờ cũng đã hết năm học và tranh thủ mấy ngày nghỉ ở nhà, bố tôi đã “đào tạo cấp tốc”  cho tôi một người thầy để dạy tôi học, đó là anh trai tôi, vừa học xong lớp hai. Kể ra tôi cũng là một đứa bé ngoan, dễ bảo. Việc học đánh vần tập đọc diễn ra khá đúng bài bản và trôi chảy nhưng việc tập viết của “thầy trò” tôi lại là cả một vấn đề nan giải. Bàn tay anh tôi nào có lớn hơn, cứng hơn là bao để có thể cầm tay tập cho tôi tô những nét chữ đầu tiên. Hai anh em cứ chí chóe cãi nhau rồi lại mắm môi mắm lợi tập tô nhưng nét chữ vẫn không thể thành hình được, nét viết cứ ngoằn nghèo, run rẩy, chệch choặc trên trang giấy. Rồi cuối cùng anh tôi cũng nghĩ ra một cách là không bắt tôi tập viết tròn con chữ như anh đã được dạy mà cho tôi tập từng nét một như các ông đồ làng ngày xưa dạy viết chữ Hán là tập từng nét một, nét dọc, nét ngang, nét xổ…Anh tôi rất khoái chí vì đã nghĩ ra cách giúp tôi tập viết có tiến bộ nhưng tôi bắt đầu cảm thấy chán chường vì cứ phải tập viết một cách đơn điệu mãi như vậy. Thấy vậy, anh động viên tôi:
- Mi cứ cố gắng mỗi hôm viết một trang thì trước khi đi ngủ tau sẽ kể cho nghe một câu chuyện.
 
Và cứ thế cả tháng trời anh đã đưa tôi vào thế giới của truyện cổ Grim. Nàng Bạch Tuyết xinh đẹp bị mụ dì ghẻ ghen tị, hãm hại ra sao, nàng được bảy chú lùn tốt bụng giúp đỡ như thế nào. Truyện anh chàng thợ may trong truyện “Một đòn chết bảy” hoang tưởng nhưng cũng thật thông minh lanh lợi và luôn gặp may trong cuộc chu du thiên hạ của mình. Cuộc ngao du đây phưu lưu mạo hiểm của Tí Hon thật hấp dẫn lôi cuốn. ..Những câu chuyện anh kể đã khêu gợi trong trí óc non trẻ của tôi bao sự tưởng tượng, tôi như được ngao du trong một thế giới sinh động, có cung điện, lâu đài, có tiên, có bụt tốt bụng, có mụ phù thủy độc ác, có sự thông minh và cả sự đần độn, có may có rủi nhưng kết thúc bao giờ cũng có hậu là lòng tốt và sự dũng cảm luôn được đền đáp lại bằng sự may mắn và hạnh phúc. Tôi vẫn nghĩ, nếu như anh tôi không bị nỗi đam mê bảo vệ động vật quý hiếm để rồi gần như cả đời lặn lội trong rừng sâu thì chắc anh đã là một nhà văn hay một nhà giáo được xã hội trọng thị. Sau mấy tháng, việc học hành của tôi có vẻ “tấn tới”, anh tôi hứng chí bảo:
- Dạy mi tập đọc a, cờ.. a.. ca… sắc cá, rồi nờ.. a.. na mãi tau thấy chán lắm rồi. Từ nay tau dạy mi tập đọc trong quyển Tập đọc lớp hai của tau nhá.
Quả thật được tập đọc những đoạn văn, bài thơ trong sách học của anh tôi cũng thấy hứng thú hơn và tôi cố gắng e…a và nhanh chóng đọc trôi chảy hơn nhiều. Nhưng rồi một hôm anh dạy tôi đọc bài “Ca dao kháng chiến” trong đó có câu:
Cây tre là cây tre già
Mai ta làm nhà nay tạm làm chông

Tôi hỏi anh, đã chẻ tre ra làm chông thì mai sao còn làm được nhà? Anh giải thích cây tre hôm nay đã chẻ làm chông rồi và còn sau này làm nhà là dùng cây tre khác, tôi không chịu cãi lại. Anh giải thích thế nào tôi cũng không hiểu, hết kiên nhẫn anh mắng:
-          Mi ngu lắm, có rứa mà cũng không hiểu.
Thế ra tôi xông vào đánh nhau với anh – người thầy đầu tiên của tôi và từ đó anh thôi không dạy tôi và tôi cũng không chịu học anh tôi nữa.
Bây giờ, thỉnh thoảng có dịp mấy chị em chúng tôi sum họp gia đình, trong lúc vui câu chuyện có người nhắc lại vụ tôi đánh nhau với anh tôi vì câu ca dao, anh vừa cười cười vừa thủng thẳng nói:
- Loại tư duy thôi thiển như chú sao mà hiểu được thơ ca cơ chứ.

Bonus:
FB Nghĩa Ccr

Chín phần mười sự giáo dục là động viên khích lệ
 Hình ảnh: Chín phần mười sự giáo dục là động viên khích lệ.

Toàn bộ nghệ thuật của sự giáo dục là nghệ thuật đánh thức sự 
tò mò bản năng của những trí óc non trẻ nhằm thỏa mãn nó sau đó.

 Hình ảnh: Toàn bộ nghệ thuật của sự giáo dục là nghệ thuật đánh thức sự tò mò bản năng của những trí óc non trẻ nhằm thỏa mãn nó sau đó.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét