Vì nền kinh tế Việt dựa trên
ban phát bổng lộc của quan chức, các doanh nhân Việt thường có cái nhìn
méo mó về ưu tiên phục vụ. Đó cũng là lý do tại sao các doanh nghiệp lớn
của Việt Nam vẫn chưa đủ khả năng để cạnh tranh trên biển lớn.
Trong quá trình thay đổi để tiến bộ,
nhiều doanh nhân Việt hỏi tôi về góc chân Achilles của họ. Tôi và các
nhà đầu tư nước ngoài thường hay trò chuyện về vấn đề này. Theo góc nhìn
của chúng tôi, hai khuyết điểm của đa số doanh nghiệp Việt rất dễ xác
nhận: một là khả năng quản trị tài chính và hai là rủi ro về đạo đức kỷ
cương.
Dĩ nhiên, đây chỉ là một nhận xét bàng
quan, chưa được khảo sát kỹ càng về phân tích định lượng (quantitative)
hay định chất (qualitative). Nhưng các bạn nào muốn làm một luận án trên
giả thuyết này, tôi tin là các dữ kiện và số liệu sẽ chứng minh tiền đề
nói trên.
Đòi hỏi căn bản trong việc quản lý tài chính
Một doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, hình
thành bằng sự góp vốn của cổ đông đại chúng hay thành viên trong gia
đình, đều phải lưu tâm và tìm giải pháp cho các nhu cầu về quản trị tài
chính sau đây:
Dòng tiền (cash flow) cho doanh nghiệp:
Rất dễ hiểu: tiền thu vào phải luôn luôn
nhiều hơn tiền chi ra. Tiền thu vào gồm doanh thu, tiền khách trả nợ,
tiền vay của ngân hàng, của nhà cung cấp, của khách hàng, tiền góp vốn
của các cổ đông… tiền dự trữ. Tiền chi ra là tất cả các chi phí như nhân
viên, vật liệu, văn phòng, tiền nợ đáo hạn, ngắn hay dài hạn, tiền đầu
tư để khuếch trương hay để đem đổ vào bãi rác, tiền bôi trơn, tiền dự
phòng cho sự cố…
Thành quả tài chính
Nếu dự đoán
thu luôn nhiều hơn chi trong 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 3 năm, 5 năm , thì
tài chính doanh nghiệp có thể nói là vững vàng, không nhiều lo ngại.
Ngoài dòng tiền, quản trị tài chính còn
liên quan đến việc đo lường hiệu quả của doanh nghiệp. Những chỉ số như
IRR (tỷ lệ hoàn trái nội bộ), ROI (hoàn trái trên đầu tư), ROA (hoàn
trái trên tài sản), acid test (tài sản ngắn hạn tên nợ ngắn hạn)… là
những tín hiệu để xác định hiệu năng của doanh nghiệp so với các đối thủ
cùng ngành. Người ta bỏ ra $1000 để kinh doanh và lãi được $100 mỗi năm
(10%) trong khi bạn đầu tư $10,000 chỉ để đem về $500 (5%) thì nhanh
hay chậm, họ sẽ vượt mặt bạn dễ dàng.
Kỷ luật tài chính
Trong các doanh nghiệp gia đình, tôi
thường thích nhìn các bà vợ giữ tiền hơn. Đàn bà họ tỉ mỉ, căn cơ và có
trực giác bén nhậy hơn các ông (thường có thói vung tay quá trán vì sĩ
diện bạn bè và hay lạc quan vô lối). Dù thế nào, phải kiểm soát chặt chẽ
cái túi tiền (từ thu đến chi) để không sa đà vào những ổ gà của hành
trình làm ăn (luôn luôn hiện diện bất cứ lúc nào và nơi nào, nhất là ở
các quốc lộ Việt).
Ngân sách đề ra phải được mọi bộ phận
tuân thủ và thực thi; mọi điều chỉnh phải được điều nghiên chính xác; kể
cả việc cắt giảm hay gia tăng vì sự cố bất thường.
Dự đoán nhu cầu tương lai
Ai cũng muốn đầu tư vào một doanh nghiệp
có khả năng phát triển. Dĩ nhiên đó phải là một khuếch trương trong
ngành nghề cốt lõi, không phải đem tiền lời của công ty bánh kẹo đi vứt
vào một khu nghỉ dưỡng vì bà vợ của quan tổng thích phong cảnh khí hậu
nơi đây. Người quản lý tài chính phải phân tích mọi chỉ số đầu tư dựa
trên dự đoán và phải đồng ý về tính khả thi.
Mọi phát triển đều cần vốn đầu tư, từ
tiền lời tích lũy nội bộ hay tiền vay hay tiền góp vốn từ các cổ đông
bên ngoài. Người quản lý tài chính theo đúng vai trò phải duyệt khán và
đồng ý với kế hoạch phát triển này ít nhất 6 tháng trước đó và phải lo
liệu phần vốn đầy đủ trước khi tiến hành dự án khuếch trương.
Một nguyên lý quan trọng khác là đừng bao giờ dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn.
Báo cáo và kiểm toán
Nhiệm vụ trước nhất của nhà quản lý tài
chính là phải có báo cáo tài chính chính xác và kịp thời cho các cổ đông
(dù là công ty gia đình) và cho sở thuế. Những công ty lớn cần phải làm
việc chặt chẽ với một công ty kiểm toán độc lập để thanh tra mọi số
liệu. Việc báo cáo kiểm toán nếu thực thi nghiêm túc sẽ tạo niềm tin cho
cổ đông và họ sẽ sẵn sàng góp vốn khi công ty cần tiền. Đây là yếu tố
quan trọng trong tính thanh khoản của cổ phiếu, dù công ty đã niêm yết
hay chưa.
Rất ít doanh nghiệp Việt đạt được chỉ
tiêu cao trong cả 5 vấn đề căn bản trên, ngay cả những công ty đã niêm
yết trên sàn nhiều năm. Tại đây, vai trò của người Giám Đốc Tài Chánh
(CFO) rất mờ nhạt và quyền hành chi thu, ngân sách, quyết định đầu tư,
đôi khi ngay cả việc soạn thảo báo cáo tài chính cũng thường nằm gọn
trong tay người Tổng Giám Đốc (CEO) hay bà vợ của ông ta.
Khi quỹ đầu tư nước ngoài đến thăm cơ sở
của khách hàng, người chúng tôi muốn nghe nhiều nhất là vị CFO. Các vị
CEO thường chỉ lập đi lặp lại những gì chúng tôi đã đọc trên brochure
hay website, không gì mới lạ. Các chi tiết về số liệu và cách thức quản
trị tài chính cho chúng tôi một tầm nhìn chính xác và chiến lược hơn về
công ty. Tiếc thay không mấy doanh nghiệp Việt thấu hiểu điều này.
Đòi hỏi căn bản về đạo đức kỷ cương
Một khía cạnh yếu kém khác là sự cẩu
thả, vô tâm của doanh nhân Việt trong việc xây dựng một văn hóa công ty
dựa trên căn bản dài hạn, đạo đức và chuẩn mực cao cấp. Việc thể hiện
“giá trị mềm” của doanh nghiệp thường thu gọn vào các PR hay lễ hội
hoành tráng phô trương, ban phát huân chương, đánh bóng cho tên tuổi cá
nhân, và các quan chức chống lưng… thay vì cho nhu cầu của khách hàng,
sáng tạo của sản phẩm hay sự bền vững của thương hiệu.
Tầm nhìn dài hạn và tập trung
Người quản lý doanh nghiệp phải biết rõ
tầm nhìn và giới hạn của công ty để có một kế hoạch phát triển lâu dài
và bền vững. Không một hành trình kinh doanh nào mà không gặp trắc trở
và thách thức. Vì vậy, người lãnh đạo phải biết rõ đích đến của doanh
nghiệp và vững tay lái trước các cơn sóng lớn nhỏ thường làm lệch phương
hướng.
Mọi thủ thuật chộp giựt, lấy ngắn nuôi
dài, đi tắt đón đầu…có thể tạo hiệu ứng nhất thời, nhưng sớm muộn gì,
các trò chơi ngắn hạn này sẽ có tác hại lớn là làm doanh nghiệp đi quá
xa ra khỏi mục tiêu và vướng vào lầy lội của tình thế.
Sự thỏa mãn của khách hàng
Một doanh nghiệp hiện đại sống và chết
vì khách hàng. Sản phẩm phải thích hợp và cải tiến thường trực để đáp
ứng nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng. Dịch vụ hậu mãi phải hoàn
thiện để giữ sự trung thành của khách hàng. Yếu tố sáng tạo là cách tạo
thích thú cho khách hàng để biến họ thành một công cụ truyền bá sản phẩm
ra các cộng đồng xã hội.
Tóm lại, khách hàng là tài sản lớn nhất
của doanh nghiệp. Vì nền kinh tế Việt dựa trên ban phát bổng lộc của
quan chức, các doanh nhân Việt thường có cái nhìn méo mó về ưu tiên phục
vụ. Đó cũng là lý do tại sao các doanh nghiệp lớn của Việt Nam vẫn chưa
đủ khả năng để cạnh tranh trên biển lớn.
Tôn trọng các cổ đông thiểu số
Mỗi công ty, dù có viết ra thành văn bản
hay không, phải có một cương lĩnh để mọi thành phần nhân viên theo đó
mà vận hành. Như một quốc gia có hiến pháp, tuyên ngôn về dân quyền, các
bộ luật…doanh nghiệp phải có cương lĩnh, chiến lược và điều lệ…để không
bị rối loạn khi gặp khó khăn hay khi có thay đổi về bộ phận quản lý.
Một yếu tố quan trọng trong cương lĩnh là sự tôn trọng quyền lợi của các cổ đông yên lặng (silent) hay thiểu số (minority).
Nhiều vị quản lý Việt không hiểu rằng
tiền góp vốn từ chính phủ (DNNN), hay cổ đông công chúng (public) hay
quỹ và các đầu tư cá nhân; ngay cả vốn vay từ ngân hàng là tiền của
người khác (OPM) không phải tiền của riêng mình. Họ thoải mái quá mức
với chi thu, đến độ gần như phạm pháp. Hoàn toàn không trách nhiệm, điều
quan tâm duy nhất là sự “hạ cánh an toàn” khi hết nhiệm kỳ hay khi bị
đuổi. Đây là rủi ro lớn nhất thường làm các nhà đầu tư nước ngoài chùn
tay khi quyết định đầu tư.
Thêm vào đó, thay vì một chính sách
“thông tin toàn bộ và kịp thời” (on-time full disclosure) theo như luật
định, nhiều nhà quản lý che giấu, trì hoãn, sửa đổi hay sáng tạo thông
tin để tránh những phản ứng tiêu cực cho vị trí và quyền lợi của họ.
Tiếc thay, đây có vẻ là lãnh vực duy nhất họ có nhiều sáng tạo.
Đào tạo và thăng tiến đội ngũ nhân viên
Bổn phận pháp lý và nhu cầu giữ nhân
viên giỏi là một vấn đề. Tuy nhiên, trên góc cạnh tạo phát triển bền
vững, doanh nghiệp cần tạo cho đội ngũ cán bộ một niềm tin vào tương lai
đường dài của doanh nghiệp và các quyền lợi đính kèm. Ngoài lương bổng
và nhu cầu về thăng tiến, các nhân sự đều muốn tham dự vào thành công
sau cùng của đơn vị.
Hai vũ khí mà các doanh nghiệp Việt hay
thiếu sót so với nước ngoài là các chương trình huấn luyện liên tục, và
các quyền mua cổ phiếu (options) để gài buộc nhân viên vào với công ty
trong hợp tác lâu dài.
Nhưng trên hết, ban quản lý phải đối xử
công bằng trong mọi hành động và phán đoán, không phân biệt liên hệ gia
đình hay xã hội, hoàn toàn dựa trên kỹ năng và thành quả của nhân viên.
Lợi ích cho xã hội và nghĩa vụ với tha nhân
Sau cùng, một doanh nghiệp phải có nghĩa
vụ với cộng đồng xã hội chung quanh. Nếu không tạo ra một đóng góp giá
trị nào, ít nhất doanh nghiệp cũng phải tôn trọng môi trường sinh hoạt
của người dân và gia đình họ. Những tệ nạn gây ô nhiễm trong không khí,
trên sông biển, thấm vào các mực nước ngầm, việc xử lý rác thải, rác y
tế nguy hiểm, tiếng ồn và an toàn giao thông…là những kỷ cương không
những chỉ quan trọng trên phương diện pháp lý mà còn là một nghĩa vụ để
thể hiện đạo đức của doanh nghiệp.
Một tấm gương khác để doanh nghiệp soi
mặt mình là không lừa bịp hay coi thường khách hàng bằng những quảng cáo
sai lạc, giả dối, những hàng nhái thương hiệu, những khuyến mãi bịp
bợm, những PR tạo sốc không cần thiết hay vu khống về đối thủ.
Nói tóm lại, trên luật pháp của người,
còn có luật pháp của “trời”. Của cải, danh vọng, ngay cả quyền lực, đều
là tạm bợ. Chúng ta chỉ hạnh phúc và doanh nghiệp chỉ có thể “thành
công” khi chúng ta tuân thủ luật trời, dưạ trên bất cứ tín ngưỡng hay
niềm tin nào.
Trong khi doanh nhân thường than phiền
về cơ chế hay thủ tục lỗi thời của chính phủ, về thị hiếu sính ngoại hay
ham rẻ của khách hàng, về điều kiện suy thoái của kinh tế toàn
cầu…chúng ta cũng cần nhìn lại chính mình để khắc phục những yếu kém căn
bản trong quá trình đổi mới để cạnh tranh…
T/S ALAN PHAN, CHỦ TỊCH QUỸ ĐẦU TƯ VIASA
—–
T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba
làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8
cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới
nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American
Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá
nhân là www.gocnhinalan.com.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét