Giới thiệu "Nhóm Cánh buồm"
Nhóm Cánh Buồm do các cha mẹ học sinh và những
nhà giáo dục có tâm huyết thành lập với mong muốn xây dựng cho các em học sinh
thói quen tự suy nghĩ và tư duy cũng như yêu thích việc học tập. Họ là những con
người có trình độ và kiến thức, từ giảng viên đại học đến tiến sỹ và đáng kính
nhất là nhà giáo lão thành Phạm Toàn. Điều đáng quý nhất là họ có tâm và muốn
góp chút sức lực của mình để mang lại một điều gì đó có ích, một cái gì đó thật
tốt để làm mẫu cho nền giáo dục hiện nay.
Địa chỉ trang web của nhóm: hiendai.edu.vn
Môn Giáo dục Lối sống trong chương trình Giáo dục Hiện đại
của Nhóm Cánh Buồm
Báo cáo tại "Hội thảo Tự học - Tự giáo dục"
L'Espace Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội - 3-10-2011
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hải
Thừa kế những nghiên cứu thực nghiệm từ năm 1978 của hệ thống Công nghệ Giáo dục, chúng tôi hoàn thiện môn học có tên gọi là Giáo dục Lối sống
để thay thế các môn Luân lý, Đạo đức, Giáo dục Công dân... Vậy môn Giáo
dục Lối sống là gì, và vì sao cần có môn Giáo dục Lối sống thay cho các
môn Luân lý, Đạo đức kia?
Phải nói luôn là ngay từ xưa cách dạy
luân lý, đức dục, đạo đức đã không đúng và nếu có chút kết quả nào thì
cũng không chắc chắn. Điều đó ít nhất là do những nguyên nhân sau :
Thứ nhất, các môn luân lý, đức dục, đạo
đức đều tiến hành dựa trên việc đưa ra những lời khuyên cho người học.
Do chỗ những lời khuyên chỉ đại diện cho hệ thống giá trị của người đưa
ra lời khuyên, nên không chắc học sinh đã thuần phục chúng, nếu có buộc
học sinh phải nghe theo các lời khuyên đạo đức ấy thì người ta cũng ấm
ức, ngay cả khi họ tỏ vẻ tiếp thu cũng chưa chắc đã thực thi hoặc có
thực thi thì cũng chưa chắc đã thuận... Thậm chí, một cách cực đoan, còn
có thể nghi ngờ ngay cả người đưa ra lời khuyên - có chắc những bậc
thày đó đã có đạo đức?
Nguyên nhân thứ hai mang tính tâm lý
học. Nghiên cứu của Jean Piaget chẳng hạn cho biết, khác hẳn với khuynh
hướng khước từ lời khuyên áp đặt, trẻ em rất tôn trọng luật lệ do các
em tham gia xây dựng. Tác giả đã rút ra kết luận đó từ việc ghi chép tỉ
mỉ cách hành xử của trẻ em trong những cuộc chơi bi đánh đáo. Tiếp nối
những công trình của hệ thống Công nghệ Giáo dục, nhóm Cánh Buồm kiên
trì việc hướng dẫn trẻ em tự tổ chức cuộc sống mang giá trị thời đại mà các em chấp nhận.
Thứ ba, cách học của trẻ em theo quan
niệm của nhóm Cánh Buồm, là cách học thực hiện bằng một hệ thống việc
làm do các chủ thể tự giáo dục cùng tham gia. Các chủ thể đó hiện nay là
học sinh, nhưng sau đó cũng lại là những là công dân tiềm năng có toàn
quyền quyết định vận mệnh tổ quốc. Do đó, trong việc Giáo dục Lối sống,
cần có một hệ thống giá trị chung để các em cùng nhau tạo ra và tuân thủ
- đó chính là tinh thần và năng lực đồng thuận của con người hiện đại.
Xuyên suốt hệ thống Giáo dục Lối sống là
việc tạo lòng đồng thuận và tạo năng lực sống đồng thuận. Đồng thuận
không phải là trong mọi hoàn cảnh con người bao giờ cũng chỉ biết "hoàn
toàn nhất trí", không phải là thái độ sống "quan tám cũng ừ, quan tư
cũng gật". Đồng thuận là cùng sống, cùng phát hiện xung đột, cùng xử lý
xung đột, cùng tìm những quy ước sống hài hòa trong một nền văn minh
NGƯỜI. Theo nguyên lý đó, một ông Tổng Thư ký Liên hợp quốc và một em
học sinh lớp Một ở các quốc gia sẽ có cùng chung nguyên tắc sống trong
nền văn minh đương thời.
Với môn Giáo dục Lối sống, học sinh học
những gì trong năm năm học đầu tiên của bậc Phổ thông cơ sở? Tinh thần
xuyên suốt các năm đó là đồng thuận : Đồng thuận để tổ chức lối sống tự
lập ngay từ lớp 1, rồi trong các lớp tiếp theo, đồng thuận với những
người khác trong cùng cộng đồng, đồng thuận với những người trong gia
đình, trong tổ quốc, trong nhân loại.
Học như thế có khó không? Có cần đến giảng giải không?
Xin xem cách làm dưới đây thì thấy mọi
lời giảng giải sẽ thừa: đây là minh họa môt hoạt động các em tự tổ
chức triển lãm để tự chứng minh các em đã lớn, từ đó các em sẵn sàng
tiếp nhận cách sống tự lập: Thu thập và trưng bày quần áo của em từ
thuở lọt lòng cho đến khi trở thành một học sinh lớp một.
Chủ đề sống chung trong cộng đồng học ở
lớp Hai mang tính tổng quát: cộng đồng là "nơi" con người cùng sống,
cùng nương nhờ nhau mà sống, và là nơi con người buộc phải sống hài hòa
thì mới hạnh phúc. Có khó không để học sinh nhận ra sự khác nhau giữa cá
nhân và tập thể, cũng như mối liên hệ giữa cá nhân với tập thể ra sao?
Sách của chúng tôi dự kiến tổ chức cho các em chơi những trò chơi qua đó
thấy được sự khác nhau giữa việc con người làm việc một mình và việc
con người làm chung, hoặc trò chơi về con người trong một xưởng sản xuất
xe đạp...
Tham gia vào guồng hoạt động của cộng
đồng là mặt tích cực. Ngoài ra còn cần chống lại mặt tiêu cực. Hình vẽ
trên đây là minh họa một tiết học lên án thói vô cảm trong cuộc sống
cộng đồng. Các em dùng kiến thức học Văn và ngôn ngữ để tạo ra những
tình huống, những trò chơi đóng vai, cả những sưu tầm, điều tra, thống
kê, ... cả việc triển lãm những tranh vẽ khen, chê ... Trong hoạt động
học như thế, vai trò giáo viên chỉ là nhà tổ chức chứ không là người giảng giải.
Từ khái niệm cộng đồng tổng quát đó, lên
lớp Ba, được vận dụng vào cộng đồng hạt nhân của xã hội: GIA ĐÌNH. Trẻ
em tập vận dụng, thí dụ, cách phát hiện xung đột giữa cha mẹ với nhau,
giữa ông bà với cha mẹ... và biết đâu đấy, cuộc sống gia đình chẳng tốt
đẹp hơn nhờ con mắt và thái độ phán xét của con trẻ khi các em có vai
trò trong cộng đồng gia đình?
Trong các nội dung học ở lớp Ba cũng
phải học tới Luật Hôn nhân và Gia đình, luật về Quyền trẻ em, Luật Lao
động trẻ em ... và chính các em phải góp phần xây dựng luật lệ và xử lý
những lệch lạc trong cộng đồng xung quanh...
Lên lớp Bốn, các em đem vốn năng lực lối sống để chung sống với tổ quốc, và từng cặp khái niệm phải được các em hiểu đúng và làm đúng.
1. Công dân với nhà nước thì phải tôn
trọng LUẬT, trong khi con người cá nhân trong cộng đồng tổ quốc thì cần
đến sự đồng thuận trong đời sống DÂN SỰ.
2. Hai mặt Dân chủ và Luật pháp cũng
thế: tôn trọng và xây dựng - duy trì và thay đổi luật pháp là điều kiện
phát triển đất nước..
3. Cũng như thế, trong tổ quốc có xung
đột chứ không phải bao giờ cũng yên lành, vì thế phải tổ chức lại luôn
luôn để có cuộc sống hòa hợp. Con người sẽ cùng tổ quốc mình trong tư
thế mới hội nhập vào với loài người.
Suy cho cùng, môn Giáo dục Lối sống ở
nhà trường cũng còn liên quan tới việc tổ chức lại lối sống của toàn xã
hội nữa: nếu người lớn tôn trọng trẻ em, nếu giáo viên tôn trọng trẻ
em, nếu cha mẹ tôn trọng con em, TRẺ EM SẼ LÀ NHỮNG CỨU TINH CỦA DÂN
TỘC. Người lớn cần thay đổi thái độ và lối sống để ĐỒNG HÀNH CÙNG CON EM
xây dựng đất nước hiện đại hóa.
http://hiendai.edu.vn/danhmuc.php?cat=4&post=298
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét