Nhật-Hoa Trong Năm Giáp Ngọ
Trung Quốc mộng lại gặp khắc tinh Giáp Ngọ!
* Ê chề: Trận chiến Nhật-Hoa năm Giáp Ngọ 1894 *
Từ quốc hiệu, Trung Quốc vẫn tự xưng là
trung tâm thế giới với giấc mơ làm bá chủ thiên hạ.
Chủ tịch mới lên của Trung Quốc là Tập Cận
Bình đang hâm nóng giấc mơ đó, gọi là "Trung Quốc mộng". Người tỉnh táo
thường biết mộng hay đi với mị, mà "mị" cũng có nghĩa là phỉnh phờ,
phỉnh gạt người dân được gọi là "mị dân". Nhưng, mị còn có nghĩa là...
ma quỷ. Chả vậy mà sức mê hoặc của ma quỷ mới được gọi là "mị lực'"! Những
gì đang xảy ra cho thấy lãnh đạo Trung Quốc cố dùng mị lực để trước thì lấy lòng
người dân, sau thì phỉnh gạt thiên hạ và gồm thâu Đông Á về một mối.
Khốn nỗi, vừa ra tới ngõ Điếu Ngư đã thấy
tấm bảng Tiêm Các của Nhật, gọi là Senkaku...
Nhật Bản thì khác.
Nằm ngoài rìa của cõi thiên hạ, ở vùng cực
Đông của biển Đông, Nhật chỉ có thể kiêu hãnh là thấy mặt trời mọc trước thiên
hạ. Họ tự xưng là con cháu Thái Dương Thần Nữ. Nhìn lá quốc kỳ có một vầng dương
đỏ ối thì ai cũng hiểu chuyện ấy.
Nhưng người Trung Quốc giàu trí nhớ lại
khó quên cái thời mà vầng ô lại toả ra 16 tia sáng. Đó quốc kỳ Nhật Bản thời Đế
quốc. Lá cờ ghê rợn trong tâm tư của nhiều người hiện vẫn hiên ngang phất phới.
Đó là quân kỳ của nước Nhật kể từ năm 1954. Hải quân Nhật vẫn giữ đủ 16 tia, một
lá cờ "toàn phương vị". Lục quân thì chỉ cần bát phương tám hướng mà
thôi!
Nhưng vì sao đầu Xuân lại nói chuyện cờ
quạt lùng tùng xoè như vậy?
Chỉ vì năm nay là năm Giáp Ngọ!
Đúng 120 năm trước, cũng vào một năm Giáp
Ngọ, Nhật cho các đấng con trời phủ phục xuống đất trong trận chiến Nhật-Hoa năm
1894. Ngẫu nhiên sao, Thủ tướng Nhật ngày nay là một tay Giáp Ngọ, sinh vào năm
1954 khi lá quốc kỳ tỏa sáng từ thời Minh Trị đến 1945 lại được hồi phục - trở
thành quân kỳ của Nhật Bản cũng kể từ năm 1954.
Lịch sử tái diễn chăng? Nghi quá....
***
Chiến hạm Nhật thời nay với lá cờ thời xưa
Khác với người Hoa hay người Mỹ, từ
trong tiềm thức, dân Nhật vẫn tin vào phận bi hùng.
Bi thảm vì họ sống trên một quần đảo hẻo
lánh ngoài cõi hoang của Châu Á, lãnh thổ có bốn đảo lớn, và 6.800 đảo nhỏ, bốn
bề là biển cả với sóng thần lâu lâu lại đổ lên đầu. Bên trong là núi lửa và những
mạch địa chất của động đất. Địa chấn và sóng thần thường phối hợp tàn phá, lần
mới nhất là vụ thiên tai Tohoku ở vùng Đông Bắc vào Tháng Ba năm 2011. Trước đó
có trận động đất Kobe 1996....
Trên lãnh thổ ấy, diện tích có thể canh
tác chỉ được 12%, tại ba bình nguyên lớn, lại chia cắt bởi núi rừng và nhiều
con sông ngắn, ít thuận lợi cho vận chuyển. Là một quần đảo, nước Nhật thật ra
chỉ có một số ốc đảo khả dĩ sống được giữa núi và nước. Mà sống khá chật vật vì
thiếu tài nguyên thiên nhiên. Giữa các ốc đảo và biển cả, dân Nhật phải dùng
thuyền bè và tự nhiên phải giỏi về nghề nước.
Được trời cho mảnh đất hẩm hiu này, họ
tin rằng phải là siêu nhân thì mới tồn tại được. Dân Tầu có thể cho rằng mình là
cái rốn của vũ trụ, là trung tâm văn hóa của thế giới. Hay dân Mỹ thường nghĩ là
ai ai cũng muốn thành người Mỹ. Dân Nhật lại nói ngược: phải anh hùng lắm thì mới
là người Nhật được.
Vì vậy, rau cháo có nhau, họ chia sẻ
tinh thần liên đới hợp quần trong một xã hội khá thuần chủng và cho rằng việc bảo
vệ lãnh thổ thống nhất là ưu tiên sinh tử. Đấy là chuyện bên trong.
***
Nhìn ra ngoài, nước Nhật nằm khá xa ngoài
biển lạnh.
Nơi gần với Á Châu nhất là 190 cây số ở phía Nam của lãnh thổ, giữa đảo Kyushu và mỏm cực Nam của bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc thì ở xa hơn, cách đó 800 cây số ngoài biển, với nhiều đảo nhỏ như mấy tảng đá trên mặt nước, có thể bước qua. Một trong các hòn đảo ấy là Đài Loan. Tạiùng cực Bắc của Nhật, đảo Hokkaido thì gần với đảo Sakhalin của Nga, cách nhau là biển Okhotsk. Mà lãnh thổ Nga trên cõi hoang vu không người của Tây Ba Lợi Á cũng chẳng thể là bàn đạp cho dân Nga La Tư đi vào Nhật được.
Từ chuyện cờ quạt sang địa dư và tâm lý,
dân Nhật chú ý đến, theo thứ tự ưu tiên, bán đảo Triều Tiên, Đài Loan, chuỗi quần
đảo Kurils ở cực Bắc bị Liên Xô chiếm đóng khi Nhật vừa bị bom nguyên tử của Mỹ
vào năm 1945, mà ngày nay Liên bang Nga chưa chịu trả. Muốn bảo vệ lãnh thổ thì
phải kiểm soát được các hành lang này ở ngoài biển. Là phải làm chủ được vùng
biển, ở phía Tây Thái Bình Dương.
Trong lịch sử, Nhật Bản đã hai lần bị tấn
công, vào các năm 1274 và 1281 thời Nguyên Mông, từ bán đảo Triều Tiên và qua
biển. Nhưng Trung Quốc đại bại và chỉ để lại ý nghĩa quyết tử trong chữ Thần
Phong, kamikaze! (Nước Đại Việt thì chẳng có thần phong bảo vệ nhưng đã ba lần dập
tắt ảo vọng bách chiến bách thắng của quân Mông Cổ, đấy là chuyện đáng nhớ khác).
Sống trên hải đảo, người Nhật có hai khuynh
hướng trái ngược, nhưng đổi ý mà ít khi báo trước: báu gươm rút ra hay tra vào thì
cũng đột ngột như tiếng sét. Hay một trận động đất!
Khuynh hướng thứ nhất là đóng cửa với bên
ngoài để bảo vệ bản sắc bên trong, như từ thế kỷ thứ chín đến thể kỷ 12, hoặc từ
đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19 khi bị Phó Đề đốc Matthew Perry của Hải quân Mỹ
gõ cửa bằng đại bác làm rung chuyển Mạc phủ Đức Xuyên (dòng Tokugawa).
Khuynh hướng thứ hai là bung ra ngoài để
học hỏi và bắt chước mọi tinh hoa thế giới, là chuyện xảy ra giữa thế kỷ thứ sáu
để du nhập Phật giáo và Khổng giáo từ Trung Hoa, hay trong thế kỷ 16 để học hỏi
kỹ thuật của Hoà Lan và Bồ Đào Nha. Lần mở cửa dữ dội nhất chính là sau năm năm
1853, khi bị pháo hạm Mỹ uy hiếp.
Thời ấy Trung Quốc đang bị liệt cường sâu
xé, Nhật cũng bế quan toả cảng để thủ thân. Nhưng Hoa Kỳ đòi mở cửa buôn bán nên
nước Nhật phải chọn: có đóng cửa như nhà Đại Thanh thì vẫn là thuộc địa, chi bằng
mở ra để canh tân đất nước. Cuộc Cách mạng thời Minh Trị từ năm 1868 không chỉ
là việc duy tân mà còn là chọn lựa mới, từ hướng nội sang hướng ngoại.
Con cháu Thái Dương Thần nữ bèn bước ra
ngoài, nhưng dụng võ hơn dụng văn. Trong cõi bi hùng hai ngả, họ lấy hùng hơn là
bi.
***
Samurai
Nhật và võ sĩ Đại Thanh, trong tranh hý họa của tờ Punch thời Giáp Ngọ 1894
Chuyện Giáp Ngọ là khi người Nhật rút gươm
khỏi vỏ thì thế giới rùng mình.
Từ thời Minh Trị, Nhật Bản cho sứ giả và
sinh viên đi học khắp nơi. Hàng hải của Anh, khoa học của Đức, hay kinh doanh và
chính trị của Mỹ, v.v... họ đều học và hành rất nhanh. Nhưng họ canh tân không
với ý chí là để khỏi bị thống trị mà để tranh đua với Tây phương. Những gì các
nước Tây phương làm được, tại Ấn Độ hay Trung Quốc, Đông Dương, Nam Dương, thì
Nhật cũng sẽ làm. Trước hết là ở các khu vực ngoại vi của lãnh thổ.
Vì vậy, Đài Loan được chiếu cố vào năm
1874 để mở rộng vùng trái độn cho quần đảo Ruykyu, (chư đảo Lưu Cầu), bên trong
có cả mấy hòn đảo Senkaku bé xíu ngày nay. Sau đó, đến lượt Triều Tiên được chiếu
cố: triều đình Cao Ly phải mở cửa làm ăn với Nhật! Trong gần hai chục năm, mâu
thuẫn cứ tích lũy dần trên bán đảo, cho đến khi Cao Ly có loạn giữa hai ngả úp
mở và hai phe thân Tầu và thân Nhật, thì Nhật Bản rút gươm.
Vì Cao Ly được Mãn Thanh coi là chư hầu và
gửi quân vào dẹp loạn, nên trận chiến Nhật-Hoa chính thức bùng nổ, vào ngày một
Tháng Tám năm 1894, là mùng một Tháng Bảy Giáp Ngọ!
Trận
Xích Bích mới: Trung Quốc tự đánh chìm nhiều chiến hạm của mình để chặn đường
tiến của Hải quân Nhật vào sông Trường Giang (Dương Tử)
Hải quân Trung Quốc vào thời Đại Thanh
không thể là đối thủ của Nhật, Lục quân cũng vậy. Quân Nhật thừa thắng, từ Triều
Tiên vượt sông Áp Lục đánh tới Mãn Châu, đất thang mộc của nhà Mãn Thanh. Ở ngoài
biển thì chiếm luôn quần đảo Bành Hồ nằm giữa Đài Loan và Trung Quốc và vượt sóng
Trường Giang tiến sâu vào Hoa lục.
Ngày 17 Tháng Tư năm 1895, Trung Quốc đầu
hàng qua "Hòa ước" Shimonoseki, xin công nhận nền độc lập của Cao Ly,
nhượng cho Nhật nào Bán đảo Liêu Đông, nào Đài Loan và các đảo Bành Hồ, lẫn quyền
buôn bán trên sông Dương Tử và tại nhiều thương cảng, kèm theo tiền... bồi thường
chiến tranh. Sau này, tính tổng cộng thì trị giá 36 triệu lượng bạc, tương đương
với 13 ngàn 600 tấn.
Dù Thanh triều phải ký hòa ước xin hàng,
nhiều quan chức vẫn còn tử thủ tại Đài Loan và tuyên bố thành lập Đài Loan Dân
Chủ Quốc (Republic of Formose). Chiến sự chỉ kết thúc váo Tháng Mười khi Đô đốc
Monotori Kabayama đưa quân vào dẹp. "Tổng thống" Đài Loan phải giả làm
cu li trốn vào một tầu buôn của Anh để bỏ chạy vào lục địa.
Chi tiết lý thú – mà đau lòng – là ông Tổng
thống này chính là Lưu Vĩnh Phúc. Đấy là viên thủ lãnh Giặc cờ đen năm xưa
đã được triều Tự Đức mời vào chống Pháp và đạt thành tích giết chết hai tư lệnh
viễn chinh của Tây tại Ô Cầu Giấy của Hà Nội, là Đại úy Hải quân Francis
Garnier năm 1873 và Đại tá Hải quân Henri Rivière vào năm 1883. Chi tiết ấy khiến
ta nghĩ đến chuyện duy tân hụt, và nỗi buồn của những người xin triều đình cải
cách, như Nguyễn Trường Tộ hay Nguyễn Lộ trạch....
Lưu Vĩnh Phúc, thủ lãnh giặc Cờ Đen tại Việt Nam thời 1873-83, Tổng thống
thứ hai của "Đài Loan Dân Quốc" thời 1895. Bị quân Nhật rượt đuổi
trong trận Chiến tranh Hoa Nhật mà thoát chết khi giả làm cu li trốn trong một
thương thuyền của Anh. Thương thuyền bị Hải quân Nhật Bản chặn lại khám xét
mà nhờ nằm dưới đáy tầu, họ Lưu vẫn thoát vì người Nhật không biết mặt! Về sau,
Lưu chết già bên Tầu, nhưng vẫn có tượng có tên ở thành phố cổ Đài Nam
của "Republic of Formosa" trước khi Đài Loan rơi vào tay Nhật Bản từ 1895
đến 1945....
***
Khốn nỗi, có một xứ ở xa đã nhân cuộc
chiến Nhật-Hoa năm Ngọ mà nhảy vào ăn có. Đó là nước Nga.
Cùng Pháp và Đức, Nga gây áp lực để Nhật
lấy thêm tiền bồi thường nhưng trả lại Bán đảo Liêu Đông (miền Nam tỉnh Liêu
Ninh ngày nay) hầu Nhật không kiểm soát được hải cảng Lữ Thuận Khẩu (Port
Arthur). Đế quốc Nga cũng muốn dây máu ăn phần tại Triều Tiên và Trung Quốc, đòi
thuê Bán đảo Liêu Đông và mở mang cảng Lữ Thuận.
Họ gây hiềm khích với xứ Phù Tang mà chưa
biết sợ.
Nhật Bản ghim lấy trong lòng, ký hiệp ước
với Đế quốc Anh để bớt một đối thủ trên biển Thái Bình. Rồi 10 năm sau trận chiến
Giáp Ngọ với nhà Mãn Thanh, nước Nhật lại rút gươm lần nữa, vào năm Giáp Thìn
1904. Lưỡi gươm sắc như nước chém Đế quốc Nga tựa ánh chớp. Chiến tranh Nhật-Nga
bùng nổ.
Quân Nga đại bại, hai phần ba hạm đội viễn
chinh phơi lườn tại eo Tsushima nằm giữa Nhật Bản và Triều Tiên. Sau này, giới
quân sử đánh giá trận hải chiến Tsushima là quan trọng và có ảnh hưởng nhất sau
trận Trafalgar tại Âu Châu trước đó 100 năm, khi Hải quân Anh đánh bại Liên quân
Pháp và Tây Ban Nha dưới sự lãnh đạo của Napoléon.
Ngẫu nhiên sao, Tsushima có nghĩa là Đối
Mã. Cũng lại chuyện.... ngựa!
May ra chỉ còn người Nga là nhớ, rằng
trong trận chiến Nhật-Nga, duy nhất có một chiến hạm Nga thoát tay Thủy thần là
nhờ trốn vào vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Mối duyên tri ngộ của Liên Xô với Cam
Ranh bắt đầu từ đó! Cũng từ đó, Nhật Bản rất thuộc địa hình địa vật của Cam
Ranh, trước khi Hoa Kỳ biết tới cảng sâu này.
Chiến
hạm Nga bốc cháy tại Eo biển Đối Mã
Kết cuộc cùng thì ngày năm Tháng Chín
1905, Nga ký hòa ước Portsmouth với Nhật, xin rút khỏi Mãn Châu và công nhận
Triều Tiên là thuộc quỹ đạo Nhật Bản. Nhưng Portsmouth là một hải cảng.... Hoa
Kỳ tại New Hampshire – vì sao lạ vậy?
Hoà
ước Mortsmouth giữa Nga và Nhật qua trung gian của Tổng thống Mỹ Theodore
Roosevelt
Chỉ vì Tổng thống Theodore Roosevelt của
Mỹ đứng ra dàn xếp đôi bên, và lãnh Giải Nobel Hoà Bình.
Người ta kể lại rằng trong vụ này, ông
Roosevelt gửi một phái đoàn gồm có con gái là Alice Roosevelt và Tổng trưởng
Chiến tranh (sau là Tổng thống William Howard Taft) qua thăm Nhật Bản trong một
con thuyền du lịch có cái tên cũng khá tiền định là Manchuria. Mãn Châu!
Dường như đấy là dịp Roosevelt hiện đại
hóa "Chủ thuyết Monroe" của trăm năm về trước cho trăm năm về sau: y như
Tây Bán cầu, Thái Bình dương cũng là vùng ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Và Nhật Bản có
vóc dáng lãnh đạo tương tự nước Mỹ, nhưng sự lớn mạnh của Nhật lại có ích cho quyền
lợi Hoa Kỳ! Chẳng biết rằng giả thuyết này đúng hay sai, mà rất hiện đại...
Vẫn chưa hết, vóc dáng lãnh đạo, hay Đế
quốc, của Nhật Bản được minh chứng thêm một lần nữa, trên đầu Trung Quốc. Sau
chiến tranh Nhật-Hoa năm 1894 rồi Nhật-Nga năm 1904, Nhật kiểm soát bán đảo Triều
Tiên kể từ 1910 và từ đó vào chiếm Mãn Châu năm 1937. Nhật-Hoa Chiến tranh bùng
nổ lần thứ nhì, lần này là giữa Nhật Bản với Trung Hoa Dân Quốc, và kéo dài đến
1941.
Được sự hỗ trợ của Đức, Liên Xô và cả
Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn không thắng nổi, cho đến khi một Tổng thống Roosevelt khác
của Mỹ đề ra một chánh sách khác: phong toả dầu khí nếu Nhật không rút khỏi các
vùng chiếm đóng. Tối hậu thư của Hoa Kỳ là án tử hình kinh tế vì khi đó Mỹ cung
cấp đến 80% nhu cầu dầu hỏa cho Nhật.
Kết quả là vụ Trân Châu cảng Pearl
Harbor. Ngày bảy Tháng 12 năm 1941, Hải quân Nhật bất thần tấn công căn cứ Thái
Bình dương của Mỹ. Từ đó, Chiến tranh Hoa-Nhật đổi ra Nhật-Mỹ chiến tranh, hòa
chung vào Đệ nhị Thế chiến và chỉ kết thúc khi Nhật lãnh hai trái bom nguyên tử
của Mỹ vào năm 1945. Chẳng lỡ cơ hội, Nhật Bản vừa đầu hàng Hoa Kỳ thì Liên Xô
chiếm luôn bốn hòn đảo cực Bắc của Nhật.
Rồi bán đảo Triều Tiên lại là thời sự
khi Liên Xô và Trung Quốc, lần này dưới chế độ Cộng sản, theo nhau yểm trợ Bắc
Hàn Cộng sản tấn công Nam Hàn làm Chiến tranh Cao Ly bùng nổ năm 1950. Đến 1953
thì đôi bên mới tạm ngưng bắn ở vĩ tuyến 38. Bị Hoa Kỳ và Nam Hàn chặn đường tại
bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc mới dồn lực lượng xuống yểm trợ Cộng sản Bắc Việt,
với kết quả là vụ Điện Biên Phủ 1954 và Hiệp định Genève năm Giáp Ngọ!....
Chiến
hạm và tầu vận tải Nhật Bản bị Hoa Kỳ đánh đắm trên sông Sàigòn vào đầu năm
1945
***
Khi nhớ lại mọi chuyện từ Giáp Ngọ 1894
đến Giáp Ngọ 1954, người ta thấy là trong nửa thế kỷ Nhật Bản lần lượt đụng độ
với Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ và cả Pháp ở tại Việt Nam, chưa kể các
nước gọi là nhược tiểu trong vùng Đông Nam Á. Trong cái chất bi hùng thì quả là
có cả tính hung!
Đến khi bị Hoa Kỳ khuất phục năm 1945,
Nhật mới từ võ mà đổi qua văn, cũng là một kiểu Võ Thành Văn!
Mọi nền văn hoá đều phát triển qua học hỏi
và bắt chước rồi tiêu hóa những gì học được của người. Nhưng khi du nhập tư tưởng
và kỹ thuật ngoại lai thì ai cũng sợ bị đồng hóa. Nhờ địa dư cách trở, khi mở ra để học thiên hạ, dân
Nhật không có nỗi sợ đó. Họ đã học thật nhanh từ Anh, Pháp, Đức, Mỹ để Nhật hóa
kiến thức của các nền văn minh tiên tiến hơn và trực tiếp cạnh tranh với Tây phương.
Nhưng nhu cầu sinh tử là có đủ tài nguyên
cho phát triển khiến chế độ lãnh đạo cuộc canh tân của Nhật lại ngả theo phương
thức quân sự, dùng võ hơn văn.
Bước đầu là thống nhất chính quyền bên
trong rồi thì kiểm soát mọi ngả tiến vào lãnh thổ, từ Triều Tiên, Đài Loan đến đảo
Sakhalin hay quần đảo Kurils ở vùng cực Bắc. Kế tiếp là chiếm đóng nhằm bảo đảm
nguồn cung cấp tài nguyên, hàng hóa và nhân công ở vòng ngoài, từ Tây Bá Lợi Á
đến Mãn Châu, Trung Quốc và Đông Nam Á. Chủ thuyết Đại Đông Á của chế độ quân
phiệt có hình thức là Á châu xây dựng thịnh vượng cho người Á mà khỏi cần đến Tây
phương. Nhưng nội dung là bành trướng sự lãnh đạo của Nhật trên toàn vùng Đông Á.
Thế rồi, khi đã bị Hoa Kỳ khuất phục và
giải giới vào năm 1946, Nhật Bản cũng lại xoay rất nhanh, từ trọng võ sang trọng
thương. Chủ thuyết Yoshida, tên của Thủ tướng Shigeru Yoshida lên cầm quyền từ
năm 1946, đề xướng việc phát triển trong hòa bình, với sự bảo vệ an ninh và yểm
trợ kinh tế của Hoa Kỳ.
Khi đó, vào thời Chiến tranh lạnh giữa
hai khối - và Chiến tranh nóng trên bán đảo Triều Tiên - Hoa Kỳ muốn có một nước
Nhật phú cường và dân chủ tại Đông Á trước mối nguy của nước Nga và Trung Hoa
theo cộng sản.
Nhờ vậy, Nhật Bản tái thiết nhanh và tăng
trưởng mạnh, trong có 10 năm từ 1960 đến 1970 đã nhân sản lượng gấp đôi, y như
Trung Quốc sau này, nhưng từ một cấp cao hơn. Nước Nhật thực hiện được những gì
đã từng mong muốn và đòi chinh phục bằng quân sự. Thay vì đổ quân, họ đổ tiền đầu
tư vào Nam Hàn, Đài Loan, Hong Kong, Đông Nam Á và cả Trung Quốc sau khi Đặng
Tiểu Bình cải cách và bang giao với Hoa Kỳ. Nhật trở thành chủ đầu tư và chủ nợ
số một của Đông Á và thành công đến độ cạnh tranh với Hoa Kỳ, làm người Mỹ lo sợ
ngày bị vượt mặt!
Nhưng sự đời oái oăm.
Khi Liên Xô bắt đầu tan rã và Chiến
tranh lạnh tàn lụi thì cũng là lúc Nhật bị khủng hoảng. Điểm lật là từ năm Canh
Ngọ 1990, là lúc bong bóng đầu tư tan vỡ, mở đầu cho 10 năm khốn khó. Hoa Kỳ hết
cần Nhật Bản và có đòi hỏi cao hơn về ngoại thương và hối đoái, trong khi nhu cầu
về an ninh cũng được duyệt lại. Nhật Bản phải lo lấy thân, về cả an ninh lẫn
kinh tế, vì đấy cũng là lúc Trung Quốc vươn lên.
Chúng ta trở lại chuyện ngày nay, cũng vào
một năm Giáp Ngọ...
***
Nhật Bản mất một thập niên khủng hoảng
cho đến năm 2000, tiếp theo là một thập niên suy thoái, khi dân số lại lão hóa
quá nhanh. Việc cải cách cứ bị đình trệ trì hoãn mãi, cho đến năm nay mới có dấu
hiệu chuyển biến.
Nhìn ra ngoài, mối lo ngàn đời của Nhật
là bán đảo Triều Tiên lại trở thành hiện đại, với Bắc Hàn cứ tung hứng hỏa tiễn
qua lãnh thổ Nhật Bản. Mối nguy từ Liên Xô nay đã tụ vào Bắc Hàn. Đằng sau là
Trung Quốc đã tưởng mình hùng cường, đòi kiểm soát luồng giao lưu ngoài biển và
còn tranh chấp về chủ quyền trên biển đảo. Rồi muốn khống chế các hành lang
cung cấp đến 90% nguyên nhiên vật liệu cho kinh tế Nhật....
Chiến
hạm Nhật Bản vào thời hiện đại; tầu dầu hay hàng không mẫu hạm đây?
Bị Hoa Kỳ giải giới từ năm 1945, Nhật không
được phép có quân đội mà chỉ có lực lượng phòng thủ gọi là Self Defense Force để
bảo vệ trật tự bên trong. Lá quốc kỳ oai hùng năm xưa bị thu về làm quân kỳ cho
lực lượng này. Đến khi Chiến tranh lạnh chấm dứt từ năm 1991, lực lượng phòng vệ
đó lặng lẽ thoát xác thành lực lượng quân sự. Và dù cho kinh tế suy thoái, Nhật
Bản vẫn có ngân sách quốc phòng đứng hạng thứ ba thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và
Trung Quốc.
Quốc phòng của Nhật không chỉ có lượng mà
là phẩm, với kinh nghiệm tác chiến rất dày và trình độ kỹ thuật rất cao, kể cả
về hải quân lẫn không quân và khoa học không gian hay hỏa tiễn. Bắc Hàn càng
hung hăng, Nhật Bản càng có lý do cải tiến về quân sự, biến văn thành võ. Mối
quan hệ lâu đời với hệ thống quân sự Hoa Kỳ là một lợi thế, sức mạnh kỹ thuật dân
sự trong thời bình là một ưu thế khác cho thời chiến. Thương thuyền hay tầu dầu
có thể sớm thành chiến hạm, vệ tinh không gian thì cải tiến thành trạm thám báo,
siêu kỹ thuật điện tử được đưa vào không quân, với đủ loại võ khí "không
người lái".
Y như kinh nghiệm lịch sử, chuyện Triều
Tiên chỉ là duyên cớ, cái nhân sâu xa chính là Trung Quốc, với tham vọng hải dương
của Bắc Kinh, nay muốn là đại cường hải dương. Quan trọng nhất, sự bành trướng
của Trung Quốc đã chạm vào cái nọc bi hùng của dân Nhật, và khơi dậy chủ nghĩa ái
quốc. Đã có một thời, chủ nghĩa đó nhắm vào mục tiêu dân giàu. Ngày nay, mục tiêu
sẽ là nước mạnh. Sau trận thiên tai năm 2011, 90% dân Nhật đã coi quân đội là định
chế đáng tin cậy nhất và lần đầu tiên từ Thế chiến II, thanh niên Nhật đã gọi
nhau tòng quân nhập ngũ rất đông, với sự ủng hộ của xã hội.
Nhật Bản đã có một quân đội đúng nghĩa, từng
gửi chiến hạm và binh lính đi ngăn ngừa hải tặc từ Ấn Độ dương qua tới Đông
Phi, hoặc yểm trợ xứ khác diệt trừ khủng bố, hay cứu giúp nạn nhân thiên tai bão
lụt. Việc tu chỉnh hiến pháp để hợp thức hóa quân đội này chỉ là thủ tục hình
thức. Chứ nội dung thì đã được bình thường hóa vì thái độ hung hăng của Trung
Quốc.
Thủ
tướng Nhật Bản Shinzo Abe với các lãnh tụ ASEAN tại Thượng đỉnh ASEAN năm 2013,
kỷ niệm 40 năm hợp tác với Nhật Bản
Nếu có lân bang thấy vậy mà lo, như trường
hợp Nam Hàn, thì cũng có nhiều láng giềng lại lấy đó làm mừng, như trường hợp Đài
Loan, Phi Luật Tân, Nam Dương hay cả Việt Nam. Những nỗ lực đầu tư và hợp tác của
Nhật Bản từ 40 năm nay với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đang được hâm nóng:
người dân Á Châu tự hỏi mối nguy về an ninh sẽ là Trung Quốc hay Nhật Bản? Họ sẽ
có câu trả lời trong năm Giáp Ngọ này.
Hình
ảnh kỷ niệm 40 năm hợp tác giữa Nhật Bản và Hiệp hội ASEAN, cô bé Việt Nam vẫn
cài trâm trên tóc như đôi đũa.
____________________________
Xin giới thiệu một bài về thời cuộc và lịch sử trên trang 14 Việt Báo Xuân Giáp Ngọ 2014 vừa phát hành ngày 140112
____________________________
Xin giới thiệu một bài về thời cuộc và lịch sử trên trang 14 Việt Báo Xuân Giáp Ngọ 2014 vừa phát hành ngày 140112
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét