Quá trình phát triển tư duy của học sinh phổ thông và vai trò của gia đình

Các nhà giáo dục và tâm lý học thế giới đã đúc kết quá trình phát triển tư duy của một đứa trẻ trong lứa tuổi từ khi bắt đầu đi học cho đến hết tuổi học sinh phổ thông trãi qua 3 tầng nấc: tư duy một bước, hai bước và nhiều bước theo quá trình phát triển thể chất và tinh thần. Căn cứ vào quá trình phát triển này mà bậc giáo dục phổ thông được chia thành 3 cấp theo các nấc tư duy của sự phát triển tư duy của trẻ. Quá trình phát triển tư duy của trẻ luôn nằm trong sự tác động của 3 thành tố (môi trường giáo dục)là văn hóa và giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.

Từ nhân tri sơ tính bản thiện - con người cái gốc ban đầu là thiện - một đưa trẻ sinh ra đời tiếp xúc với 3 thành tố bên ngoài, giúp cho tư duy của trẻ thành tư duy một bước, còn gọi là tư duy chân thật: ghi nhận sự vật, hiện tượng chân thật ở tuổi dưới phổ thông cấp một.
Khi đến tuổi phổ thông cấp hai, tư duy của trẻ chuyển sang hai bước, hay còn gọi là tư duy phân tích: ghi nhận sự vật hiện tượng và phân tích đúng sai.
Đến tuổi học phổ thông trung học và sau đó, tư duy của trẻ chuyển sang tư duy nhiều bước, hay còn gọi là tư duy tới hạn: ghi nhận, phân tích đúng sai và bắt đầu đưa ra những giải pháp giải quyết vấn đề.
Xét về mối quan hệ giữa các 3 thành tố của môi trường giáo dục với tư duy của trẻ thì sự tác động của môi trường giáo dục luôn là số đông thường lấn át yếu tố phát triển bên trong của trẻ, trong đó thành tố văn hóa và giáo dục của gia đình là quan trọng nhất vì đây là thành tố tác động đầu tiên trước khi trẻ bị tác động bởi các thành tố nhà trường và xã hội. Nhất là ở tuổi bắt đầu tư duy của trẻ chuyển sang nhiều bước - mà tiếng Anh gọi là tuổi teenager - cái tuổi mà ông bà ta thường vẫn nói: học ăn, học nói, học gói, học mở là rất khó khăn trong vấn đề giáo dục và văn hóa. Nếu 3 thành tố của môi trường tác động đến tư duy của trẻ không đúng ở tuổi này, có thể dẫn đến những bi kịch cho bản thân, gia đình và xã hội.Bên cạnh đó các nhà phân tâm học cũng chỉ ra vai trò chủ thể của bản thân trẻ trong mối quan hệ tác động của môi trường giáo dục là trong cùng môi trường giáo dục như nhau thì không phải trẻ nào cũng phát triển như nhau, vẫn có trẻ thụ động, dựa dẫm, có trẻ “nổi loạn” không chấp nhận các gía trị văn hóa, giáo dục của môi trường dù đúng hay sai và có trẻ vẫn có thể biết dung hòa sự tác động của các thành tố văn hóa, giáo dục của môi trường để phát triển tư duy độc lập, chủ động tạo cơ sở cho sự thành đạt sau này. Tuy nhiên loại trẻ thứ 3 này sẽ là rất ít, thậm chí chỉ là cá biệt nếu trong một môi trường giáo dục không tốt.
Trong bối cảnh văn hoá và giáo dục của nước ta hiện nay đang có nhiều biến động và sa sút, xuống cấp. Cả xã hội đã và đang bàn về vấn đề này và cho đến nay vẫn chưa có một đường hướng rõ ràng, cụ thể để đưa văn hoá và giáo dục nước nhà thoát ra được cuộc khủng hoảng. Nên hơn lúc nào hết vai trò của văn hóa và giáo dục gia đình trở nên quan trọng và dường như trở thành yếu tố quyết định căn bản trong sự hình thành nhân cách, tri thức và trí thức của trẻ để trở thành người có triết lý sống với văn hóa lành mạnh, có tư duy độc lập và chủ động trong cuộc sống. Để thực hiện được điều này trước hết các bậc cha, mẹ phải hiểu rõ quá trình phát triển tư duy, tâm lý lứa tuổi của trẻ để biết cách giáo dục, ứng xử với trẻ cho đúng. Quan trọng nhất là đừng bao giờ bắt trẻ phải sống quá lứa tuổi của chúng ngay tại gia đình mình – nơi luôn ôm ấp chúng hàng ngày không chỉ bằng vật chất mà bằng cả tâm hồn đẹp.

Bonus:
 Ngày khai trường ở miền Bắc

Ngày khai trường ở miền Nam

Câu hỏi vui: Ngày khai trường ở miền Bắc và miền Nam giống và khác nhau như thế nào? 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét