Lạm bàn về nan đề "chán sử"




Từ thực trạng dạy và học môn Sử đáng báo động ở các trường học phổ thông lâu nay, đã có nhiều người, nhiều giới từ các nhà giáo dục, quản lý giáo dục, các nhà khoa học, các bậc phụ huynh và các cháu học sinh lên tiếng về thực trạng, đi tìm nguyên và đề xuất các giải pháp khắc phục “chán sử” của học sinh phổ thông. Vvaans đề này cũng đã  được Bộ Giáo Dục - Đào Tạo và Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam phối hợp tổ chức“Hội thảo khoa học quốc gia về dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam” trong 2 ngày tại Đà Nẵng. Tại hội thảo các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục…đã đưa ra các nguyên nhân là do nội dung chương trình, bài soạn trong các sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, thậm chí ngay từ quan niệm dạy và học môn Sử, cách đánh giá vai trò của môn Sử trong trường phổ thông cho đến chất lượng giáo viên…đã dẫn đến việc các em học sinh không hứng thú, thậm chí chán ghét môn này, học không vào và khi đi thi thì kết quả thường bị thấp.
Trong bài này, tôi cũng thử xem xét nan đề “chán sử” dưới một góc nhìn khác, góc nhìn từ khái niệm “tư duy” và “lịch sử”. Trước khi vào vấn đề ta tìm hiểu xem tư duy là gì? Và lịch sử là gì?
Tư duy là gì?
Tư duy vốn là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau. Trong mỗi ngành có định nghĩa tư duy phù hợp và đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của mình; hay nói cách khác mỗi ngành khoa học có cách tiếp cận khác nhau nên có các định nghĩa tư duy khác nhau. Đã có vị giáo sư lần mần ngồi thống kê được tới những 50 định nghĩa về tư duy; ở đây tôi chọn định nghĩa tư duy của GS. Hồ Ngọc Đại: “Mỗi môt hoàn cảnh bắt buộc con người phải tìm cách xử lý. Quá trình tìm cách xử lý còn gọi là TƯ DUY"
Một định nghĩa tư duy của lý thuyết “Tâm lý hoạt động” thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục chăng?
Phân loại tư duy:
Một kiểu phân loại tư duy phổ biến, thông dụng đó là phân loại theo kiểu phân đôi như: Tư duy nghiên cứu và  Tư duy thiết kế - thi công; Tư duy diễn cảm và Tư duy logic; Tư duy kinh nghiệm và Tư duy lý luận (lý thuyết)…Bên cạnh đó còn có sự phân loại tư duy khác theo thành phần, giai tầng xã hội, theo lĩnh vực hoạt động, theo ý thức xã hội…Ở đây xin nêu vài loại tư duy theo ý thức xã hội là: Tư duy khoa học, Tư duy nghệ thuật và Tư duy đạo đức
- Tư duy khoa học
Quá trình phát triển tư duy của loài người đi từ tư duy kinh nghiệm đến tư duy khoa học. Tư duy kinh nghiệm phản ánh sự vật hiện tượng một cách rời rạc, thiếu hệ thống và khái quát, nó chỉ phù hợp giai đoạn đầu của nhận thức, chỉ cung cấp nhưng hiểu biết, các tri thức kinh nghiệm, riêng rẽ của sự vật hiện tượng.
Tư duy khoa học là trình độ cao của tư duy, nó chính là quá trình tư duy tiếp cận, nắm bắt nhận thức sự vật, hiện tượng một cách có hệ thống, bằng các khái niệm khoa học giúp  con người có thể đi sâu vào bản chất và vạch ra các quy luật khách quan của sự vật hiện tượng.
Tư duy  nghệ thuật là tư duy tái hiện, tái tạo hiện thực, cuộc sống dưới dạng những hình tượng cụ thể, sinh động. Trong tư duy nghệ thuật, bản chất, các quy luật của hiện thực của cuộc sống được biểu hiện qua các hiện tượng điển hình. Sự phát triển của tư duy nghệ thuật góp phần tạo nên những cá tính của nhân cách.
Tư duy đạo đức là tư duy hướng tới việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống và những giá trị người. Nói cụ thể hơn, tư duy đạo đức là tìm lời giải cho những câu hỏi, chẳng hạn, ý nghĩa cuộc sống con người là gì; thế nào là thiện; thế nào là ác; hạnh phúc là gì…
“Lịch sử” là gì?
Chúng ta cần phân định rõ 3 khái niệm: lịch sử, lịch sử học (sử học) và tác phẩm nghệ thuật có đề tài lịch sử.
- Lịch sử là dòng chảy không ngừng nghỉ hiện tượng tư nhiên và sự kiện xã hội trong thời gian.
- Lịch sử học (sử học) là nghiên cứu và truyền bá tri thức để hiểu và rút được những điều bổ ích từ dòng chảy của lịch sử.
- Tác phẩm nghệ thuật có đề tài lịch sử là tác phẩm nghệ thuật lấy đề tài là sự kiện của lịch sử được tái hiện, tái tạo dưới dạng những hình tượng điển hình thông qua tư duy nghệ thuật của tác giả; hay nói cách khác, là đề tài lịch sử nhưng tác phẩm nghệ thuật đó là thông điệp những tâm sự, tư tưởng của tác giả.
Bản thân “lịch sử” là một dòng chảy theo thời gian những việc có thật trong đời sống tự nhiên và xã hội và nó có ngay từ thời chưa có môn “sử học” được viết thành văn. Còn sử học là nghiên cứu các sự kiện, các biến cố xảy ra trong quá khứ và mối quan hệ giữa chúng với nhau. Có thể nói sử học chính là những câu chuyện do các nhà sử học kể lại bằng cách dựng lại câu chuyện theo tư liệu của họ và theo cách hiểu của họ đối với quá khứ. Tuy nhiên, sử học là môn khoa học nên việc dựng lại câu chuyện của lịch sử cũng như tìm các mối liên hệ của chúng phải tuân theo phương pháp khoa học nói chung và các phương pháp khoa học lịch sử nói riêng. Nói cách khác, sử học là khoa học nghiên cứu để có thể dựng lại câu chuyện của quá khứ tiệm cận với sự thật của lịch sử.

Từ khái niệm và phân loại của tư duy cũng như các khái niệm “lịch sử”, “sử học” và “tác phẩm nghệ thuật có đề tài lịch sử”  như trên, ta thử bàn nên dạy và học môn lịch sử ở nhà trường phổ thông như thế nào để học sinh không “chán sử”?
Mục đích của việc dạy và học lịch sử ở trường phổ thông Theo GS-VS, NGND Phan Huy Lê là “môn lịch sử không chỉ trang bị vốn kiến thức cần thiết về lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới mà còn góp phần quan trọng bồi dưỡng lòng yêu quê hướng xứ sở, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần tôn trọng các giá trị lịch sử văn hóa nhân loại, hình thành nhân cách và bản lĩnh con người, ý thức trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Với mục đích như vậy nhưng môn lịch sử không có nghĩa là những bài học nêu lại các sự kiện lịch sử (kiến thức) với những ý nghĩa của bài học lịch sử chỉ thuần mang tính “tuyên truyền” một chiều, rồi bắt học sinh học thuộc và cũng không phải học sử như là học các tác phẩm nghệ thuật có đề tài lịch sử (thuộc môn văn học?) mà phải là dạy và học một môn khoa học – khoa học lịch sử - và ta nên gọi là môn sử học, cũng như là các môn văn học, toán học, sinh học, hóa học…Theo đó nội dung chương trình và phương pháp dạy môn sử học phải phải phù hợp đặc điểm tâm lý lứa tuổi và tầng nấc phát triển tư duy ở từng lứa tuổi học sinh (1) để từng bước trang bị phương pháp của khoa học lịch sử để học sinh biết và đến được lịch sử  như là một môn khoa học.


Nhập vai đóng kịch
Theo sự nghiên cứu tâm lý lứa tuổi học sinh và tâng nấc phát triển tư duy của học sinh thì trẻ em ở bậc tiểu học thời kỳ tư duy một bước. Vì vậy ở bậc tiểu học việc học Sử học chủ yếu là để tạo ra những rung cảm lịch sử bằng loại hình tư duy nghệ thuật cụ thể là thông qua những “tác phẩm nghệ thuật có đề tài lịch sử” như nhưng câu chuyện kể, những mẫu kịch kịch ngắn (cho học sinh đóng kịch nhập vai) về những nhân vật lịch sử điển hình. Ở bậc phổ thông cơ sở trẻ em thời kỳ của tư duy 2 bước nên việc học sử là cho các em tập tổ chức hội thảo để tranh luận để tìm những kết quả dựng lại câu chuyện lịch sử (các sự kiện đã xẩy ra được trong quá khứ được sử học dựng lại) nào là “chân lý”. Tức là thông qua hội thảo tranh luận hướng dẫn cho học sinh tìm kiếm, đối chiếu lại các tư liệu lịch cũng như nguồn gốc của các tư liệu để xác định mức độ xác thực của các "sự kiện lịch sử" nêu trong sử học. Và cũng từ đó hình thành các phương pháp nghiên cứu lịch sử cho học. Và cuối cùng, ở bậc trung học phổ thông,  với sự dắt dẫn của giáo viên, mỗi em (hoặc mỗi nhóm) tập làm một đề tài nghiên cứu (các sự kiện lịch sử, mối liên và ý nghĩa của các sự kiện lịch sử) và cho các em (các nhóm) bảo vệ các bài nghiên cứu của mình (nhóm mình) và phản biện các bài nghiên cứu của bạn (nhóm bạn). Chính qua quá trình bảo vệ và phản biện của học sinh, bên cạnh việc phát triển tư duy khoa học và các phương pháp khoa học nghiên cứu lịch sử (năng lực sử học) cho học sinh thì đồng thời cũng phát triển tư duy đạo đức – tư duy về ý nghĩa của cuộc sống và những giá trị người – đây cũng chính là mục tiêu thứ 2 của việc dạy và học lịch sử là “bồi dưỡng lòng yêu quê hướng xứ sở, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần tôn trọng các giá trị lịch sử văn hóa nhân loại, hình thành nhân cách và bản lĩnh con người, ý thức trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” cho học sinh.

Tìm kiếm tài liệu trên mạng

            Để có thể thực hiện việc dạy và học sử học như trên trước hết đòi hỏi phải thay đổi tư duy giáo dục phổ thông, thiết kế lại chương trình và sách giáo khoa sử học và đào tạo lại đội ngũ giáo viên theo mô hình “Thầy thiết kế - Trò thi công” của GS Hồ Ngọc Đại (2). Đồng thời các nhà sử học phải cung cấp nhiều công trình nghiên cứu đa chiều và phong phú của mình lên mạng internet, làm những cơ sở dữ liệu đáp ứng sự tìm tòi tài liệu cho học sinh. Cuối cùng chế độ kiểm tra, thi cử môn sử học phải nhằm đánh giá năng lực sử học của học sinh chứ không phải kiểm tra kiến thức lịch sử như hiện nay.
Tôi tin rằng, nếu chúng ta làm được như vậy thì chắc chắn môn sử học sẽ là môn học hấp dẫn đối với học sinh.

Tài liệu liên quan:
(1) http://hoathanhques.blogspot.com/2012/09/qua-trinh-phat-trien-tu-duy-cua-hoc.html
            (2) Đọc “ CAI và CÁCH” của GS Hồ Ngọc Đại – Nhà xuất bản Đại học Sư phạm

Ghi chú: Đây chỉ là lời “chém gió” của kẻ ngoại đạo nên xin đừng hỏi tôi những cở sở lý luận, cở sở khoa học này nọ nha. Xin hai chữ “đại xá”.

1 nhận xét:

  1. "Có thể nói sử học chính là những câu chuyện do các nhà sử học kể lại bằng cách dựng lại câu chuyện theo tư liệu của họ và theo cách hiểu của họ đối với quá khứ. Tuy nhiên, sử học là môn khoa học nên việc dựng lại câu chuyện của lịch sử cũng như tìm các mối liên hệ của chúng phải tuân theo phương pháp khoa học nói chung và các phương pháp khoa học lịch sử nói riêng. Nói cách khác, sử học là khoa học nghiên cứu để có thể dựng lại câu chuyện của quá khứ tiệm cận với sự thật của lịch sử."

    Trả lờiXóa