“Tứ đại phú hộ”

Theo WIKIPEDIA thì “Tứ đại phú hộ” là cụm từ dân gian ở miền Nam đặt ra vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 để chỉ bốn người giầu nhất Sài Gòn cũng như 6 tỉnh Nam Kỳ và cả Đông Dương thời bấy giờ. Để cho dễ nhớ, dân gian có câu “Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định”. Tuy nhiên vị trí thứ tư, còn được giành cho một số đại phú hộ khác như Tứ Trạch, Tứ Hỏa hoặc Tứ Bười.
            Trong bài này tôi xin phép được điểm qua Tứ đại phú hộ là “Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Bưởi”. Tôi chọn Tứ Bưởi chỉ đơn giản vì trong các đại phú hộ vừa nêu ở trên thì chỉ có mỗi  đại phú hộ Bạch Thái Bưởi là người miền Bắc.
           
Nhất Sỹ - Lê Phát Đạt (1841-1900)
            Lê Phát Đạt còn có tên là Sỹ, về sau được Pháp phong Huyện hàm, nên còn được gọi là Huyên Sỹ và có tên thánh là Philipphe
            Huyện Sỹ là con một gia đình công giáo tại Cầu Kho (Sài Gòn), thuở nhỏ học trường dòng Penang (Malaysia), thông thạo các ngôn ngữ: La tinh, Pháp, Hán và quốc ngữ. Lớn lên ông được Pháp bổ dụng làm thông ngôn, rồi làm Ủy viên Hội đồng quản hạt Nam Kỳ (từ năm 1880). Tuy nhiên, phần lớn thời gian ông dành cho hoạt động phát triển nông nghiệp và truyền bá đạo thiên chúa.

 Nhà thờ Huyện Sỹ

Theo học giả Vương Hồng Sển thì việc phất lên nhanh chóng của ông có không ít yếu tố “may mắn”:
            “Tương truyền buổi đầu, Tây mới qua, dân cư tản mác. Pháp phát mãi ruộng đất vô thừa nhận, giá bán rẻ mạt mà vẫn không có người đầu giá”.
            “Thế rồi, nài ép Lê Phát Đạt, ông bất đắc dĩ phải chạy bạc mua liều. Nào ngờ vận đỏ, ruộng trúng mùa liên tiếp mấy năm liền”.
            “Bên cạnh đó, cũng có những lời đồn rằng ngôi nhà lầu đồ sộ của Huyện Sỹ tại Tân An, nằm gần ngã ba sông Tân An và Bảo Định đã được cất trên thế đất hàm rồng nên gia đình ông trở nên giàu có, danh vọng bậc nhất thời đó”.
 Học giả Vương Hồng Sển cũng đã ghi: “Mặc dù giàu có như vậy, nhưng trong nhà ông Lê Phát Đạt có treo câu đối dạy đời: “Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách/Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ”.

Nhì Phương – Đỗ Hữu Phương (1844-1914)
Ông sinh tại chợ Đũi (Sài Gòn), gốc người Minh Hương, biết chữ Hán, nói được một số tiếng Pháp.
Năm 1865 Đỗ Hữu Phương được chính quyền Pháp cho làm hộ trưởng (bấy giờ, thành phố chợ Lớn chia ra làm 25 hộ), rồi lần lượt trải qua các chức vụ sau: hội viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn. Năm 1879, làm phụ tá Xã Tây Chợ Lớn là Antony Landes. Giữ chức việc này, ông Phương thường ngầm làm trung gian để giới thương gia người Hoa hối lộ cho các viên chức Pháp. Nhờ vậy, mà ông giàu lên nhanh chóng, uy thế lên cao đến mức quan Toàn quyền Paul Doumer khi vào Nam còn ghé nhà ông ăn uống. Và có lẽ nhờ dịp này mà ông được viên quan trên cho khẩn trưng sở đất ruộng lớn đến 2.223 mẫu. Năm 1867, ông được bổ làm Đốc phủ sứ Vĩnh Long


 Đỗ Hữu Phương là người do thám những hoạt động chống đối Pháp ở vùng Chợ Lớn, Cần Giuộc  Tân An. Nhưng khác với những người khác, trong lúc đi dò xét, ông Phương tỏ ra khéo léo, tránh gây thù oán công khai, nhờ đó mà bề ngoài thấy ông Phương hiền lành, cứu người này, bảo lãnh người kia.
Ông cũng đã có một lần bị mất tín nhiệm vì xin chứa chấp Thủ Khoa Huân ở trong nhà mình. Suốt khoảng ba năm (sau khi bị đày rồi được ân xá), ông Huân đã biết lợi dụng hoàn cảnh để liên lạc với các người Hoa theo Thiên Địa Hội ở Chợ Lớn và tới lui vùng Tân An để cổ súy, tổ chức cuộc kháng chiến.
Ông là một trong những người đề xướng và đã bỏ tiền ra xây trường Collège de Jeunes Filles Indigènes vào năm 1915, tức trường Nữ Trung học Sài Gòn (nay là Trường trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai)
Ông có người vợ rất đảm đang họ Trần. Học giả Vương Hồng Sển viết: Sự nghiệp [của ông Phương] trở nên đồ sộ nhứt nhì trong xứ, phần lớn do tay phu nhân Trần thị gây dựng. Bà giỏi tài đảm đang nội trợ, một tay quán xuyến trong ngoài, làm của đẻ thêm ra mãi”

Tam Xường - Lý Tường Quan (1842-1896)
Bá hộ Xường, tên thật là Lý Tường Quan, tự Phước Trai, sinh năm 1842, mất năm 1896. Cuộc đời và sự nghiệp của Bá hộ Xường, sách vở biên chép rất ít, chỉ biết đại khái ông là người Minh Hương, lánh nạn phong kiến nhà Thanh, sang đất Nam Kỳ, vào học trường Tây, rồi làm thông ngôn cho chính quyền Pháp - rất được yêu mến và trọng dụng bởi sự thông minh, đắc dụng. Năm 30 tuổi, ông bỏ nghề thông ngôn bước vào lĩnh vực kinh doanh lương thực dịch vụ, thầu cung cấp vật dụng thức ăn, độc quyền cung cấp thịt cá cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận.

 Khu nhà thờ Bá hộ Xường.

Sách Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển chép: Hộ Xường vốn là thông ngôn xuất thân. Sớm xin thôi, ra lãnh thầu cung cấp vật dụng thức ăn cho thị xã, rồi mua đất xây cất biệt thự tại vùng Chợ Lớn để cho thuê và bán. Nhờ khéo tay thêm gặp thời, ông trở thành cự phú không mấy hồi… Thế nhưng, sau khi ông chết, số tài sản kếch sù đều bị con cháu nhanh chóng bán tiêu xài hết. Cái mà nay còn lại là khu nhà mồ cổ khá kiên cố do “tôn tử tương tề đồng tâm” xây dựng vào tháng 12/1896, hiện ở gần di tích Địa đạo Phú Thọ Hòa, thuộc phường 18, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tứ Bưởi - Bạch Thái Bưởi (1874 –  1932)
Bạch Thái Bưởi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng An Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội), tên thật là Đỗ Thái Bửu. Gia đình ông vốn họ Đỗ nhưng vì cha ông mất sớm, ông phải phụ giúp mẹ kiếm sống  và sau có một người nhà giàu họ Bạch nhận ông làm con nuôi và cho ăn học, ông mới đổi từ họ Đỗ sang họ Bạch. Sau thời gian học quốc ngữ  tiếng Pháp ông bỏ học đi làm ký lục cho một hãng buôn của người Pháp  phố Tràng Tiền, Hà Nội. Khi đó ông có tên là Ký Năm. Năm 1894, ông chuyển sang làm cho một xưởng thuộc hãng thầu công chính và ở đây, lần đầu tiên ông được tiếp xúc, thu nhận những hiểu biết về máy móc, cách tổ chức, quản lý sản xuất.


Năm 1895, ông được Phủ Thống sứ Bắc kỳ chọn làm người giới thiệu những sản phẩm của Việt Nam tại Hội chợ Bordeaux, nơi ông đã được tiếp xúc trực tiếp với văn minh phương Tây. Khi về nước, với kiến thức và kinh nghiệm thu được trong thời gian ở Pháp, ông đã xin làm giám đốc công trình cầu Long Biên. Phát hiện thấy người Pháp đang cần gỗ xây dựng đường sắt, Bạch Thái Bưởi đã hùn vốn với một người Pháp làm đại lý cung cấp tà vẹt gỗ cho Sở Hoả xa Đông Dương.
Sau ba năm kinh doanh, ông đã trở nên giàu có và đã tách riêng để kinh doanh độc lập. Năm 1909, Bạch Thái Bưởi đã bước vào một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ là ngành vận tải đường sông, bắt đầu bằng việc thuê lại 3 chiếc tàu (Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long) của một hãng tàu Pháp chở thư và hành khách đường sông Bắc kỳ, có tên là A. R. Marty, vừa hết hạn hợp đồng với chính phủ. Lúc này, ông đã phải đối mặt với hai đối thủ nặng ký nhất là chủ tàu người Pháp và người Hoa. Và cuộc đụng độ không cân sức, Bạch Thái Bưởi đã nghĩ tới một thứ vũ khí mà người Hoa không thể có, đó là tinh thần dân tộc. Bạch Thái Bưởi đã tin rằng, sự nghiệp kinh doanh của mình diễn ra trên tổ quốc mình, xung quanh là đồng bào minh chắc chắn sẽ thắng lợi. ông cho người tới các bến tàu nêu rõ những thiệt thòi của người Việt, kêu gọi về tình đồng bào, tinh thần tương thân tương ái. ông treo một cái ống trên tàu, để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích, bỏ tiền vào, giúp cho chủ tàu giảm lỗ. Kết quả hành khách dần bỏ tàu Hoa mà đi tàu Việt. ông đã sử dụng thành công tinh thần dân tộc như một vũ khí để chiến thắng đối thủ cạnh tranh của mình.
Đặc biệt, Bạch Thái Bưởi đã đầu tư thành công vào một lĩnh vực được coi là cấm kỵ của thời Pháp thuộc, đó là ngành khai thác mỏ. Nhận thức rằng muốn hơn người Pháp trong việc khai mỏ cần phải có người điều hành giỏi chuyên môn, thấu đáo kỹ thuật, ông nhờ người thân tín ở Pháp, tuyển dụng ở các trường kỹ thuật những người có tài năng về Việt Nam làm việc.
Có lẽ đóng góp quan trọng thứ hai sau kinh doanh hàng hải của Bạch Thái Bưởi là kinh doanh văn hoá. Ông đã đầu tư xây dựng “Công ty in và Xuất bản Bạch Thái Bưởi” (sau là Đông Kinh ấn quán). Năm 1921, Bạch Thái Bưởi cho ra đời tờ báo hàng ngày mang tên Khai hóa nhật báo với tôn chỉ: "Một là giúp đồng bào ta tự khai hoá, dạy bảo lẫn nhau... mở mang con đường thực nghiệp. Hai là giải bày cùng Chính phủ bảo hộ những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân. Ba là diễn giải những ý kiến, những lợi ích, tác hại của các công việc Chính phủ đang làm...". Mục đích cuối cùng của phong trào thực nghiệp mà Bạch Thái Bưởi phát động và cổ suý chỉ cốt làm giàu "vì dân giàu thì nước mới giàu". Tờ báo Khai hóa ra được 22 số trước khi đình bản.
Trong khát vọng làm giàu của Bạch Thái Bưởi thể hiện đậm nét tính đua tranh, sự bất bình của người Việt trước những thế lực ngoại bang. Mặc dù tiếp xúc thường xuyên với người Pháp, học tập kỹ thuật tân tiến của người phương Tây, nhưng Bạch Thái Bưởi luôn thể hiện tinh thần dân tộc trong hoạt động kinh doanh. Ông đặt tên các con tàu mua lại từ đối thủ nước ngoài bằng những tên Việt nhưLạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi. Trong một Hội nghị kinh tế lý tài, do bênh vực cho quyền lợi của người dân bị trị, Cụ bị René Robin, đang làm Thống sứ Bắc Kỳ lúc đó, đe dọa: Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi; ông đã đáp lại: Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin.

Dù cứ liệu rất hạn chế nhưng tôi mạnh dạn đưa ra mấy nhận xét:

 Những tài liệu xưa viết về các đại phú hộ đều mang đậm góc nhìn là trọng "khoa bảng" hơn là "kinh tài" của người Việt ta. Trong các tài liệu hiện có đều có chung một điểm là đều cho rằng các đại phú hộ thành đạt là do gặp may, do được người Pháp giúp đỡ hay thậm chí do có vợ đảm, mà ít có sự thừa nhận ý chí, tài năng làm giầu của họ. Ví dụ như đối với Huyện Sỹ thì gặp may do bị Pháp ép mua ruộng đât khi bán đấu giá bị ế ẩm còn Tổng Phương giầu lại cho rằng do Toàn quyền Đông Dương đến nhà ăn uống mà được viên qua trên cho khẩn trưng sở đất ruộng lớn. Trong khi cả 2 ông này đều thành đạt trong cùng một giai đoạn.

Những đại phú hộ này đều có tinh thần dân tộc, tự nguyện đóng góp sức của, trí tuệ cho sự phát triển cộng đồng và đều có tư tưởng canh tân. Riêng đại bá hộ Tổng Phương bị lên án nhiều về sự hợp tác với Pháp về hành chính và nhất là quân sự. Nhưng theo tôi cũng cần có sự nghiên cứu thêm và thận trọng trong những nhận xét này. Vì WIKIPEDIA cũng đã nêu:
Trong tài liệu của Pháp mang ký hiệu SL. 312 ở Cục lưu trữ Nhà nước II, có đoạn khen ngợi Đỗ Hữu Phương như sau (dịch):
...Phương tích cực phục vụ cho sự nghiệp của nước Pháp, không chỉ với khả năng quân sự mà còn với sự hiểu biết tường tận về xứ này, đặc biệt là Chợ Lớn; và cả với sự khôn khéo, Phương đã nhiều lần thuyết phục dụ hàng những đồng bào của ông ta. Cùng với Đốc phủ Ca, Tổng Phước, Lãnh binh Tấn, Tổng đốc Lộc...ông ta là một trong những người giúp việc quý nhất cho các sĩ quan Pháp trong việc bình định xứ này và tổ chức các hạt...
Ông ta cố gắng tránh đổ máu trong lúc dập tắt nhiều cuộc nổi loạn gần đây. Ông ta đã xin chính phủ Pháp ân xá cho một số đông những đồng bào của ông đã cầm vũ khí chống lại chúng ta...(Nhưng) đối với những tên xúi giục nổi loạn, ông ta tỏ ra không thương xót: một trong những bạn hồi thơ ấu của ông là Thủ khoa Huân...Huân lạm dụng lòng tin của Phương, núp dưới danh nghĩa của Phương mà chiêu tập bè đảng. Phương xin được hành quân cùng và đã góp phần tích cực vào việc nã bắt tên phiến loạn này"
 Đây có thể một cách nhìn rất thực tế về thời cuộc và là cách xử sự để giảm thiểu sự đổ máu không cần thiết của ông chăng?
Ngoài tinh thần tự tôn dân tộc rất đáng ca ngợi, ta còn thấy đại bá hộ Bạch Thái Bưởi - một doanh nhân thuộc thế hệ thứ 2 của người Việt trong thời Pháp thuộc đã mang đầy đủ bản lĩnh, tầm nhìn, năng lực với một doanh nghiệp của một nhà công nghiệp lớn xứng đáng để thế hệ hôm nay noi gương học tập
Sự nghiệp của tất cả các đại bá hộ đều bị chấm dứt hoàn toàn sau năm 1975!
Các bài viết về các đại bá hộ trên các thông tin đại chúng ngày này đều chỉ tập trung nói về sự giầu có của họ đến mức nào (bố vợ và giầu hơn vua Bảo Đại...), hay các chi tiết tương truyền có tính hoang đường về họ nhằm khêu gợi hiếu kỳ tầm thường của người đọc mà thôi.













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét