Quy trình chính sách



Cuộc sống của bất cứ người dân nào trong xã hội, cho dù ít hay nhiều, đều chịu ảnh hưởng bởi các chính sách công. Nói một cách đơn giản, chính sách công là sự lựa chọn của nhà nước để giải quyết một vấn đề nào đó trong xã hội thông qua việc ban hành các luật lệ, qui định, quyết định (chẳng hạn như ưu đãi về ngân sách)...

Lợi ích quốc gia hay lợi ích nhóm?

I. Quy trình chính sách
Quy trình chính sách có thể bao gồm hai công đoạn: Công đoạn kỹ thuật của chính sách và công đoạn chính trị của chính sách. Hai công đoạn này gắn bó với nhau, nhưng vẫn hai công đoạn khác nhau và do những cơ quan khác nhau thực hiện.
1. Công đoạn kỹ thuật
Công đoạn kỹ thuật của chính sách do các cơ quan chuyên môn thực hiện. Hiện nay chủ yếu là các cơ quan chuyên môn của các Bộ. Công đoạn này có thể bao gồm ba bước là:
- Nhận biết vấn đề;
- Nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân của vấn đề và đề ra giải pháp (giải pháp chính là chính sách) để giải quyết vấn đề;
- Phân tích chính sách về giải pháp đã được đề ra. Trong công đoạn này, các cơ quan chuyên môn sẽ phải làm rõ các vấn đề sau đây: Vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống là vấn đề gì? Đâu là nguyên nhân chính của vấn đề? Để xử lý nguyên nhân đó, thì giải pháp đề ra là giải pháp gì? Giải pháp được đề ra có chấp nhận được về mặt kỹ thuật, cũng như về mặt chi phí hay không?…
2. Công đoạn chính trị
Công đoạn chính trị của chính sách là công đoạn tiếp theo sau khi công đoạn kỹ thuật của chính sách đã kết thúc và kiến nghị chính sách lập pháp được trình lên cho Chính phủ. Công đoạn này do các chính khách đảm nhiệm (chứ không phải là các nhà chuyên môn). Các nhân vật chính của công đoạn này là vị Bộ trưởng có liên quan và tất cả các thành viên khác của Chính phủ.
- Công đoạn này chính là việc Chính phủ xem xét kiến nghị lập pháp của các Bộ và quyết định chính sách lập pháp được đề ra. Các câu hỏi được đặt ra cho công đoạn này là:
- Chính sách được đề ra sẽ ảnh hưởng đến các ưu tiên khác của đất nước như thế nào?
- Công chúng sẽ phản ứng như thế nào đối với chính sách đã đề ra? Chuyện được mất giữa các giai tầng trong xã hội liên quan đến chính sách có thể chấp nhận được không?
- Quốc hội có ủng hộ một chính sách như vậy không?…
Nếu Chính phủ phê chuẩn chính sách thì việc soạn thảo văn bản pháp luật có liên quan mới chính thức bắt đầu. Soạn thảo văn bản pháp luật về bản chất chỉ là việc dịch chính sách thành mệnh lệnh hành động (cho đối tượng bị điều chỉnh, cho các quan chức áp đặt việc tuân thủ, cho cơ quan xử lý tranh chấp…). Công việc này phải do các nhà chuyên môn được đào tạo về nghề soạn thảo văn bản pháp luật đảm nhiệm.
Khi chính sách lập pháp do Chính phủ hoạch định, thì Quốc hội chính là cơ quan thẩm định chính sách đó. Quy trình lập pháp ở Quốc hội cũng cần phải thiết kế thành hai công đoạn: công đoạn thẩm định chính trị của chính sách và công đoạn thẩm định kỹ thuật của chính sách. Các phiên họp toàn thể của Quốc hội chính là công cụ để thẩm định chính trị của chính sách. Các Ủy ban của Quốc hội chính là công cụ để thẩm định kỹ thuật của chính sách.
II. Một vài nhận xét trong công đoạn kỹ thuật của chính sách
1. Trên thực tế trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật thường là các bộ trình lên chính phủ là một tờ trình kèm theo bản dự thảo chính sách dưới dạng một dự thảo của một văn bản pháp lệnh hay văn bản luật để chính phủ xem xét trình ra quốc hội. Như vậy một văn bản pháp luật được soạn thảo trước khi được chính phủ quyết định về mặt chính sách. Tình trạng này cũng giống như xây nhà trước khi thiết kế ngôi nhà, làm cho việc soạn thảo các văn bản pháp luật nhiều khi thật giống với việc “đẽo cày giữa đường”. Qua mỗi lần trình bẩm, mỗi lần xin ý kiến, các chính sách lại được sửa đổi, được rút ra, rồi lại được đưa vào liên tục và không có điểm dừng. Và, có lẽ, đây là lý do giải thích tại sao việc soạn thảo văn bản pháp luật ở nước ta thường kéo dài lê thê, mà các văn bản pháp luật lại có chất lượng không cao.
2. Hiện nay việc hoạch định và soạn thảo các chính sách chủ yếu các bộ thực hiện, rồi cũng chính các bộ là người triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách đó. Trong tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như hiện nay thì khó có thể tránh được các lợi ích cục bộ của các bộ, ngành được “lồng ghép” trong các cơ chế , chính sách của Nhà nước. Mặt khác với đội ngũ chuyên viên của các bộ hiện nay vừa thiếu tính chuyên nghiệp vừa thiếu tâm huyết (vì nhiều lý do thường các chuyên viên thích làm quản lý sự vụ hơn là làm chính sách) lại thiếu một tầm nhìn xa trông rộng thì chính sách luôn có thể trở thành một công cụ để trục lợi của các phe nhóm có thế lực.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét