Trước thềm bước
vào năm học mới, tôi đã lần lượt đăng lại trên blog các bài của 3 tác giả: BS
Hồ Hải (1), Học giả Nguyễn Trần Bạt (2) và TS Alan Phan (3) liên quan đến vấn
đề giáo dục – một vấn đề đang nhức nhối trong mối quan tâm của các bậc phụ
huynh và của toàn xã hội hiện nay.
Phụ huynh đạp đổ công trường Thực nghiệm để đăng ký xin cho con vào lớp 1
Theo BS Hồ Hải
trong bài “Để nước Việt phú cường” thì để một con người và xã hội phát triển
thì không những mỗi người cần phát triển chỉ số IQ mà còn phải phát triển các
chỉ số EQ và AQ nữa. Trong đó chỉ số EQ hết sức quan trọng để mỗi người có thể
làm việc theo nhóm và đảm bảo sự đồng thuận của xã hội để phát triển. Đây là
mặt hạn chế của “văn hóa làng xã” là “tạo ra 1 cộng đồng với nhiều cá nhân có
EQ thấp” cần được thay
đổi thông qua giáo dục nước nhà.
Ngược lại, trong bài trả lời
phỏng vấn, Học giả Nguyễn Trần Bạt lên tiếng về thực trạng xuống cấp và ảnh
hưởng của nó đến các lĩnh vực đạo đức, kinh tế, xã hội… của nền giáo dục nước
nhà hiện nay với căn nguyên của
nó là VĂN HÓA – “cha đẻ của giáo dục” được ông khái quá hóa vấn đề lên là: “Không
thể xây dựng được bất kỳ cái gì tử tế trên cái nền đồi bại của văn hóa”.
Trong bài “Gạch nối giữa giáo
dục và tự do” với hành văn nhẹ nhàng nhưng triết lý sâu sắc, TS Alan Phan cho
rằng vai trò của “giáo dục phải là vũ khí bén nhọn nhất của người yếu thế”, mục
tiêu của giáo dục là “Với giáo dục, chúng ta khỏe mạnh hơn (không ăn nhậu bừa
bãi và tự đầu độc), chúng ta sáng suốt hơn (không bị những lời hoa mỹ bịp),
thương người khác nhiều hơn (vì chúng ta biết so sánh chính mình với thế giới)
và gần với Thượng Đế hơn (khi biết đọc và tìm hiểu thêm về văn hóa nghệ thuật).
Quên, chúng ta cũng giàu hơn (nếu không lúc này thì sẽ có một ngày)” và cứu
cánh của giáo dục phải là: “một người có “giáo dục” là một con người tự do đúng
nghĩa”.
Ngoài những giải pháp của vấn đề
giáo dục hiện nay có tính “vĩ mô” to tát như thay đổi “triết lý giáo dục”, về “môi trường vĩ mô” hay về căn nguyên của vấn
đề là “Xây dựng nên văn hóa mới” (4) như nhiều bài báo của nhiều tác giả khác
đã nêu thì Học giả Nguyễn Trần Bạt cho rằng “Chúng ta chỉ cần thức tỉnh, rút
các yếu tố làm đồi bại nền văn hóa của mình ra khỏi xã hội, tự nhiên xã hội sẽ
sạch sẽ” (tuy nhiên, làm thế nào để mọi người thức tỉnh và tự rút các yếu tố
đồi bại nền văn hóa thì bài phỏng vấn chưa nêu ra???). TS Alan Phan thì cho
rằng: “Kiến thức trên đám mây của Google là ánh mặt trời đang soi sáng cho nhân
loại. Tôi không tin vào một siêu nhân hay một anh hùng nào sẽ xuất hiện để thay
đổi thời thế. Đây là việc làm của từng người, gieo rắc kiến thức, khoa học…mỗi
ngày vào từng cá nhân một trong xã hội; bắt đầu với những người thân yêu và các
bằng hữu. Chúng ta sẽ nói KHÔNG với sự ngu xuẩn, dối trá và bất nhân. Đó cũng
là lý do tại sao tôi cho việc tiếp cận với kiến thức Internet của các trẻ vừa
lớn quan trọng hơn bất cứ chương trình nào của quốc gia này”. Và với cách suy
nghĩ, cách làm và điều kiện kinh tế của một doanh nhân, ông đang theo đuổi
chương trình “20 triệu máy tính bảng” cho trẻ em Việt Nam (5).
Với tôi, một phụ huynh học sinh
bình thường để hạn chế phần nào của tình trạng giáo dục hiện nay ở trường phổ
thông cho con cái, tôi thực hiện giải pháp thay vì câu hỏi: Hôm nay con được
mấy điểm? mỗi khi con tôi đi học về là câu hỏi: Hôm nay ở lớp có gì vui không
con? Hy vọng với giải pháp này, con tôi chia sẻ với tôi những niềm vui, nỗi
buồn, những khúc mắc ở lớp và quan trọng hơn con tôi sẽ dám và biết nói lên
những cảm nhận, những nhận xét, đánh giá những gì xẩy ra ở trường, lớp và qua
đó sẽ tập cho con tôi biết đưa ra những chính kiến của mình trước một vấn đề,
khuyến khích con tôi chia sẻ những tình cảm, ý kiến của mình với bạn bè và
thầy, cô.
Nguồn tham khảo:
(1)http://hoathanhques.blogspot.com/2012/08/gach-noi-giua-giao-duc-va-tu-do.html
(2)http://hoathanhques.blogspot.com/2012/08/khong-co-gi-tu-te-tren-nen-van-hoa-kem.html
(3)http://hoathanhques.blogspot.com/2012/08/gach-noi-giua-giao-duc-va-tu-do.html
(4)http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3261&rb-0102
(5) http://www.gocnhinalan.com/bai-tieng-viet/20-trieu-may-tinh-bang.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét