Các bậc trí giả đầu thế kỷ XX nói về thói xấu của người Việt


1. Trống rỗng, dễ dãi, chê bai bừa, thô lỗ

- Đời sống tinh thần suy đồi trống rỗng
(Vũ Văn Hiền, Thanh nghị số đặc biệt, vài vấn đề Đông Dương, năm 1945)
 
 (Nội các chính phủ Trần Trọng Kim. Cụ Vũ Văn Hiền người thứ 3 từ bên phải)
Ở các làng quê đâu đâu cũng thấy một sự mê muội bướng bỉnh gian dối, đâu đâu cũng thấy những thói rượu chè cờ bạc khao vọng ma chay kiện cáo. Sự nghèo nàn về tinh thần và từ khi nền học cũ đã tàn, sự thiếu thốn về luân lý đổ thêm vào sự đói rét và ốm đau để làm cho người dân quê Việt Nam cực kỳ khổ sở.
Sở dĩ mọi cải cách thất bại vì dựa trên nguyên tắc không hợp thời "các làng xã cần được hoàn toàn tự trị". Khi giao việc cai trị trong làng cho những người sống trong làng (tức mỗi làng là một đơn vị tự túc về cai trị) các làng càng trở nên cô lập, không chung sống với lân bang, mỗi làng thường không đủ năng lực làm việc gì cho to tát.
Các chức vụ chỉ để thỏa mãn lòng khát khao danh vọng của dân quê. Thật ít khi người ta thấy nhiều người lãng phí thời giờ và nghị lực vào những công việc hão huyền như trong một làng Việt Nam. Và thật khó lòng tìm ở một nơi nào khác nhiều bộ phận vô ích như làng xứ ta.

- Dễ dãi trong quan hệ
(Phan Khôi, cái quyền sở hữu trung lập, Sài Gòn, năm 1930)

Người An Nam mình có tính hay xều xào(1) ra chỗ đồng tiền phân bạc thế nào xong thì thôi không có nè nóc(2) gì cho lắm. Cái tính ấy ở đời nay là tính xấu. Vì khi xều xào của mình chẳng nói làm chi, cón khi mà xều xào đến của người ta thì họ không có nể đâu, nói ngay trước mặt mình rằng chú là đồ ăn cắp.
(1) Làm ra vui vẻ, không quản thiệt hơn.
(2) Chưa rõ nghĩa. Có thể hiểu là suy bì hơn thiệt (?)

- Chê bai bừa bãi, sinh nghi kỵ nhau
(Phan Khôi, cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta, Thần chung, Sài Gòn, năm 1930)
Phủ huyện nào cũng đều có hội Văn chỉ, các hội ấy làm giêng mối chủ trương dư luận cả xã hội, người ta quen gọi là cái nền danh giáo hay ca quan thanh nghị(1). Chẳng những người trong hội cho đến người thường ở ngoài, nếu có làm việc gì nhắm tới luân lý trái với đạo đức thì không thể nào tránh khỏi sự công kích của hội.
Người An Nam mình kém học ít nghe cạn nghĩ lại thêm không biết phán đoán, mà cái lòng ghét điều ác quá nồng nàn, bao biếm(2) nhiều khi thất thiệt, bị người ta lợi dụng mà gieo điều nghi kỵ, thành ra ngờ vực nhau chia rẽ nhau.
(1) Bàn bạc, xét đoán, đánh giá người đời.
(2) Khen chê.

- Lớp trẻ hỗn xược, thô lỗ
(Nguyễn Văn Huyên, Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ, năm 1939)
 
Song song với vấn đề nghèo khổ, còn phải giải quyết vấn đề giáo dục. Khi ta tò mò đi vào các làng xóm ngày nay, ta bị sửng sốt vì vẻ hỗn xược vì thô lỗ của trẻ con nông thôn. Xưa kia hầu như nơi nào cũng có một ông thầy đồ. Xung quanh chiếc sập của ông, lũ trẻ dù không học được bao nhiêu chữ cũng đều nom thấy chiếc roi mây dài treo trên vách và nghe đi nghe lại câu răn dạy của đạo nho "Tiên học lê hậu học văn".
Ngày xưa, thầy và bạn học bao quanh lũ trẻ và ngăn chúng làm điều xấu. Ngày nay chẳng ai chú ý đến chúng. Trong vòng mười năm nữa, sẽ rất khó dắt dẫn các dân tộc lúc đó đã mất hết đạo lý. Một trào lưu cá nhân chủ nghĩa đã phát huy hết hiệu quả của nó trong một số môi trường.

2. Quá viển vông, tầm thường hóa, quá tin sách, tín ngưỡng nông
- Quá tin ở những điều viển vông
(Phan Bội Châu, Cao đẳng quốc dân, năm 1928)


Mê tín sinh ra những việc nực cười. Ngày giờ nào cũng là trời bây định mà bảo rằng có ngày dữ ngày lành, núi sông nào cũng là đất tự nhiên mà bảo rằng có đất tốt đất xấu, vì nấu ăn mới có bếp mà bảo rằng có ông thần táo, vì che mưa gió mới có nhà mà bảo rằng có ông thần nhà , cho đến thần cửa thần đường, thần cầu tài, thần cầu tử, trăm việc gì cũng trông mong vào thần, kết quả thần chẳng thấy đâu, chỉ thấy những cửa nát nhà tan, của mòn người hết, tin thần bao nhiêu thì tai họa bấy nhiêu...

- Tầm thường hóa những giáo lý sâu xa
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)


Phật giáo là một tôn giáo riêng, cũng có lý tưởng. Mà lời thiện ác báo ứng cũng đủ khuyên răn người. Nhưng hiềm ta không cứu(1) đến nguyên lý mà chỉ tin những lời trần hủ(2), sùng tín cái vỏ xác ngoài cón cái lý cao xa của người ta, không mấy người nghĩ đến. Đã không ích gì, mà làm hại của cải cũng chỉ bởi lòng tin sai vậy.
(1) xét đoán, tra hỏi.
(2) cũ kỹ, không hợp thời.

- Vớ được sách nào theo sách ấy
(Nguyễn Văn Vĩnh, Hương Sơn hành trình, Đông Dương Tạp chí, năm 1914)



Có kẻ sáng ngày ra vào phủ thờ bà cô, ông mãnh nào, chiều lại vào làm tôi con ông Trần Hưng Đạo là thần hay trị những tà ma, những ông hoàng bà chúa. Đến sáng hôm sau cũng người ấy có thể chay lòng thực dạ mà nghe giảng những lời đạo đức của ông Khổng, ông này không có dạy phải tin thờ ông thần ông thánh nào cả hoặc lá đi lễ Phật là một đạo trái hẳn với mọi ma thiêng thần dữ.
Nói rút lại, thì người An Nam ta tin bậy hình như theo lý tưởng này: Dẫu không có mà tin cũng chẳng hề chi, ngộ có mà không tin, có lẽ hại đến mình. Cho nên cứ tin liều đi.
Người ta theo lý tưởng ấy cho nên sinh ra những đạo không có tôn chỉ, quy tắc pháp ở trong tay mấy anh sư mô, thầy cúng, ngày nay làm theo sách này, ngày mai bịa ra sách khác, có ngược nhau cũng chẳng ai bảo sao. Mà người tin, người tộc trưởng, người làm lễ tang lễ hỷ, cũng cứ tùy bện mà theo, vớ được sách nào theo sách ấy, tùy cách lịch sự tùy gia tư(1) mà theo lễ này hay lễ kia, chứ không theo tôn chỉ nào cả.
Còn như sự đi chùa Hương và các chùa chiền khác, nhiều người cho như một cái tật của các cụ già và của người đàn bà. Cũng có kẻ bảo là việc hay, cũng có người cho là việc dở. Hay là vì các bà các cô đi lễ bái như thể nó cũng thêm được cái dáng đạo đức, cái nếp nhà ra một chút. Dở là vì các bà ganh nhau tốn kém và mấy ông sư ông vả lại cũng chưa quên hẳn sự đời.
(1) của cải, tài sản trong gia đình.


- Đời sống tôn giáo hời hợt
(Nguyễn Văn Huyên, Hương Sơn hành trình, Đông Dương Tạp chí, năm 1914)
 
Mặc dù sự có mặt của vô số ma quỷ và thần linh, người Việt vẫn có một đời sống tôn giáo không lấy gì làm sâu sắc cho lắm. Người ta chỉ có những niềm tin mơ hồ về linh hồn, về sự sống ở thế giới bên kia, về các thần. Một số lớn thần được định tính không rõ ràng và thường thường là phi nhân cách. Không có sự giáo dục tôn giáo cụ thể, cũng như không có sự tuyên truyền tôn giáo có tổ chức.
Mọi người chỉ cầu tới tôn giáo do nhu cầu vật chất. Ở một số trường hợp, người ta tìm kiếm một kết quả trước mắt như khỏi bệnh, có con, có tiền tài . Người ta cũng cầu thần để cho đời sống một người đã khuất ở thế giới bên kia được dễ dàng, để thi đỗ, để nhanh chóng trong một việc, để đi xa một chuyển được bình yên... Thường thường trong ý thức dân gian, tôn giáo được quy lại chỉ còn là một lô thực hành thờ cúng đã trở thành bắt buộc. Lễ nghi là tất cả, nó đôi khi bao gồm những nghi thức rắc rối hoặc núp dưới một hình thức long trọng có tính cách bề ngoài.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét