Dầu khí


Tổng quan công tác Tìm kiếm - Thăm dò Dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Từ những ngày đầu thành lập đến nay, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã được Tổng cục Dầu khí (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) triển khai mạnh mẽ trên toàn thềm lục địa Việt Nam với mục tiêu phát hiện nhiều mỏ dầu khí mới nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh việc mở rộng hoạt động thăm dò, khai thác ở trong nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang triển khai thành công các hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài.

Từ công tác tìm kiếm thăm dò đã xác định được các bể trầm tích Đệ Tam có triển vọng dầu khí như: Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lay - Thổ Chu, Tư Chính - Vũng Mây, nhóm bể Trường Sa và Hoàng Savới diện tích gần 1 triệu km2.

Đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký được 87 Hợp đồng dầu khí với các công ty dầu khí của Mỹ, Nhật, Nga, Anh, Malaysia, Singapore, Canada, Úc…..trong đó 60 Hợp đồng dầu khí đang còn hiệu lực bao gồm 46 Hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC), 10 Hợp đồng điều hành chung (JOC), 03 Hợp đồng POC, 01 Hợp đồng Hợp tác kinh doanh (BCC) và 01 hợp đồng hợp tác 2 bên với tổng vốn đầu tư hơn 14 tỷ USD. (Hình 2).
Các hợp đồng dầu khí phân bố theo Bể trầm tích gồm:
o        Bể Sông Hồng:                                        13Hợp đồng;
o        Bể Phú Khánh:                                        05Hợp đồng;
o        Bể Tư Chính – Vũng Mây:                    02Hợp đồng;
o        Bể Nam Côn Sơn:                                   17Hợp đồng;
o        Bể Cửu Long:                                          16Hợp đồng;
o        Bể Ma Lay - Thổ Chu:                          07Hợp đồng.

Bản đồ Hoạt động Dầu khí Việt Nam

Trong những năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiến hành khảo sát trên 107 nghìn km tuyến địa chấn 2D, 65 nghìn km2 địa chấn 3D, khoan hơn 980 giếng tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng và khai thác với tổng số mét khoan trên 3,3 triệu m.
Kết quả tìm kiếm thăm dò đã đạt được:
- Các mỏ đã đưa vào khai thác: Tiền Hải C, Đông Quan D, D14 (bể Sông Hồng), Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông, Phương Đông, Ruby, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Cá Ngừ Vàng (bể Cửu Long), Đại Hùng, Lan Tây, Rồng Đôi/Rồng Đôi Tây (bể Nam Côn Sơn), Cái Nước, Sông Đốc (bể Malay-Thổ chu).
- Các mỏ/phần mỏ chuẩn bị đưa vào khai thác: Bạch Hổ 19, Trung tâm và Nam trung tâm Rồng, Sư Tử Trắng, Hải Sư Trắng, Hải Sư Đen, Tê Giác Trắng, Thăng Long, Đông Đô, Topaz, Pearl, Diamond (bể Cửu Long); Hải Thạch, Mộc Tinh, Lan Đỏ, Dừa, Chim Sáo, Thiên Ưng, Mãng Cầu (bể Nam Côn Sơn); Hoa Mai, cụm mỏ Rạch Tàu + Phú Tân + Khánh Mỹ, Kim Long, Ác Quỷ, Cá Voi (bể Malay-Thổ chu)
- Các cấu tạo đã phát hiện: Thái Bình, Yên Tử, Hàm Rồng, Báo Vàng, Báo Đen, Bạch Long, Hồng Long, Hoàng Long, Hắc Long, Địa Long (bê Sông Hồng); Cá Mập Trắng (bể Phú Khánh); Emerald, Jade, Hổ Xám Nam, Sư Tử Nâu, Hải Sư Đen (khối A), Hải Sư Nâu, Hải Sư Bạc, Lạc Đà Nâu, Dơi Nâu (bể Cửu Long); Cá Rồng Đỏ, Thanh Long, Cá Chó, Rồng Vĩ Đại, Rồng Trẻ (bể Nam Côn Sơn); Bắc Kim Long (bể Malay-Thổ chu).
Nguồn: http://www.pvn.vn/


Việc Trung Quốc mở thầu quốc tế chín lô dầu khí: 
“Việc làm sai trái, không có giá trị”

Điểm gần bờ nhất của chín lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu chỉ cách bờ biển giữa Nha Trang và Phan Thiết 57 hải lý!

Việc CNOOC công khai gọi thầu quốc tế cho các dự án dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chắc chắn là có sự đồng ý của chính phủ Trung Quốc.
Chiều 27-6 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổ chức họp báo, lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc mở thầu quốc tế chín lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngang nhiên gọi thầu trên vùng biển Việt Nam
Trước đó, ngày 23-6, hai ngày sau khi Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố mời thầu chín lô dầu khí nói trên trong chương trình hợp tác thăm dò khai thác với các công ty nước ngoài trong năm 2012.
Trong quá khứ, Trung Quốc từng không ít lần phản đối hoặc gây trở ngại cho các công ty hợp tác với Việt Nam trong hoạt động khai thác dầu khí. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên CNOOC công khai gọi thầu quốc tế cho các dự án dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; và theo nhận định của ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc PVN, việc làm này “chắc chắn là có sự đồng ý của chính phủ Trung Quốc”.
Qua kiểm tra tọa độ, PVN khẳng định chín lô mà Trung Quốc đang mời thầu nằm chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà PVN đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí từ lâu nay (xem bản đồ).
Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc PVN: Hành động của CNOOC là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế. Ảnh: ĐOAN TRANG
Thông tin sai lạc từ phía Trung Quốc
Trên website của mình, phía CNOOC tuyên bố bảy trong số chín lô dầu khí nằm ở bể Trung Kiến Nam, hai lô còn lại nằm trong các bể Vạn An và Nam Vi Tây. Các lô có độ sâu 300-4.000 m, trải trên một diện tích hơn 160.000 km2. CNOOC cũng kêu gọi các công ty dầu khí nước ngoài hợp tác, chuyển giao công nghệ để họ phát triển năng lực khai thác dầu khí tại những vùng biển sâu.
Đáp lại, tại cuộc họp báo chiều 27-6, Tổng Giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu nhấn mạnh: “Các lô này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, do đó thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam và chúng tôi không quan tâm đến việc Trung Quốc gọi nó là gì. Tên của các bể trầm tích của Việt Nam tại đây là Phú Khánh và (một phần của bể) Nam Côn Sơn”.
Đặc biệt, ông khẳng định: “Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp”; hành động của CNOOC “là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế”.
Áp sát đảo Phú Quý
Ông Hậu chỉ rõ trên bản đồ: “Từ ranh giới phía tây của khu vực chín lô mà Trung Quốc mời thầu vào đến Quảng Ngãi chỉ có 76 hải lý. Khu vực này cách bờ biển phía bắc của Nha Trang 60 hải lý. Điểm gần bờ nhất, cách bờ biển giữa Nha Trang và Phan Thiết chỉ có 57 hải lý và cách đảo Phú Quý chỉ hơn 30 hải lý”.
Các vùng này đều đã được PVN và các đối tác dầu khí tiến hành hoạt động dầu khí từ lâu. Cụ thể, hiện PVN đang triển khai bốn hợp đồng lớn: “Thứ nhất, hợp đồng với GAZPROM - tổ hợp tập đoàn công nghiệp khí của Nga - tại các lô từ 129 đến132. Thứ hai, lô 128, với Công ty Dầu khí Quốc gia của Ấn Độ (ONGC). Thứ ba, tại các lô từ 156 đến 159 mà phần phía bắc của nó dính vào chính lô Trung Quốc gọi thầu, chúng tôi đang làm việc với Exxon Mobil của Mỹ. Thứ tư, các lô 148-149, là hợp đồng với Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP)” - ông Đỗ Văn Hậu cho biết.
Chín lô dầu khí mà Trung Quốc vừa mời thầu một cách sai trái, phi pháp đều nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và chồng lên các lô mà PVN đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí từ lâu nay. (Ảnh do PVN cung cấp)
Sẽ phản đối Trung Quốc đến cùng
PVN cực lực phản đối và yêu cầu CNOOC hủy bỏ ngay hoạt động mời thầu, nghiêm túc tuân thủ thỏa thuận về những nguyên tắc giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Tuy thế, bên cạnh đó, tổng giám đốc PVN cũng nói rõ: “PVN hoan nghênh CNOOC và các công ty dầu khí Trung Quốc tham gia hợp tác cùng PVN đầu tư vào các hoạt động dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, giống như các công ty dầu khí quốc tế khác. Đương nhiên, phải trên cơ sở tôn trọng luật pháp, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.
Đối với các đối tác quốc tế, PVN kêu gọi họ không tham gia chào thầu. “Còn trong trường hợp họ bất chấp các ý kiến của chúng ta, ký hợp đồng với Trung Quốc, PVN sẽ phản đối đến cùng, cương quyết phản đối họ triển khai các hoạt động dầu khí tại vùng thềm lục địa của ta” - ông Đỗ Văn Hậu cho biết. Ngoài ra, tất cả kế hoạch của PVN tại khu vực vẫn được tiến hành bình thường, không chịu ảnh hưởng bởi hành động gọi thầu của CNOOC.
Trước những ý kiến lo ngại rằng dưới sức ép của Trung Quốc, các công ty nước ngoài có thể rút lui, ông Hậu cho biết trong ngành dầu khí, việc đến một nước nào đó để đầu tư và rồi ra đi là bình thường, ở Việt Nam cũng vậy. “Một số đối tác của PVN đã nhận được ý kiến từ Trung Quốc nhưng họ cũng khẳng định các việc Việt Nam tiến hành là hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với luật pháp quốc tế khi triển khai mời, ký kết hợp đồng hợp tác dầu khí tại đây và họ sẽ tiếp tục hợp tác với ta trong thời gian tới” - ông Hậu cho hay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét